Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Liêu xinh đẹp, nơi được ví như “Sapa thu nhỏ” của Quảng Ninh, nữ nghệ sỹ Hà Thị Ngọc không chỉ nặng lòng với hát Then, đàn Tính – nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của dân tộc mình, mà còn bị mê hoặc bởi cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Mỗi chuyến xuống bản công tác của chị, vì thế, cũng trở nên đầy sức hấp dẫn.
>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Việt Nam
>> Xem thêm: Lên Mã Pí Lèng 'mù say say' cùng chàng trai A Páo
Hà Thị Ngọc người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở bản Cáng Bắc thuộc xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Là con gái của Nghệ nhân dân gian Việt Nam Hà Thị Phương, ngay từ thuở ấu thơ, những giai điệu Then Tày trong câu hát ru của mẹ, trong rộn ràng mỗi mùa mùa lễ hội... đã ăn sâu vào tâm thức của chị.
Sẵn có năng khiếu trời cho, lại được mẹ truyền dạy từ rất sớm vốn liếng mà bà đã một đời tích lũy, giữ gìn, bước vào tuổi 14, 15, Hà Thị Ngọc đã nhuần nhuyễn và hát hay, đàn giỏi nhiều bài Then cổ. Đây cũng chính là cơ duyên giúp chị thi đậu và theo học thanh nhạc tại Trường Văn hoá - Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên) rồi trở thành một cán bộ văn hóa đầy tâm huyết của huyện Bình Liêu.
Ở vị trí công tác của mình, nữ nghệ sỹ Hà Thị Ngọc được thỏa sức thể hiện tình yêu với những làn điệu Then say đắm lòng người thông qua trực tiếp biểu diễn, hoặc tham gia dàn dựng các chương trình văn nghệ tham dự các cuộc thi nghệ thuật quần chúng.
Từ các cuộc thi của huyện, tỉnh và toàn quốc, chị đã dành không ít Bằng khen, Huy chương. Và với những thành tích đã đạt được, năm 1996, ở tuổi 26, nữ nghệ sỹ Hà Thị Ngọc đã được tỉnh Quảng Ninh phong danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ, trở thành cô gái người Tày đầu tiên và trẻ nhất của Quảng Ninh được nhận danh hiệu này.
>> Xem thêm: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan: 'Tôi muốn ghi lại hơi thở của núi, của rừng Đông Bắc'
Ở cương vị một cán bộ văn hóa huyện, nữ nghệ sỹ Hà Thị Ngọc dày công sưu tầm gìn giữ, phổ biến làn điệu Then tới đông đảo người Tày trên quê hương Bình Liêu. Chị đã trở thành ‘bà đỡ’ cho nhiều câu lạc bộ hát dân ca của Bình Liêu như: CLB Giai điệu quê hương xã Hoành Mô; CLB hát Then các xã Tình Húc, Vô Ngại,Tình Húc, Đồng Tâm v.v.
Trên hành trình gắn bó và lan truyền ngọn lửa hát Then, đàn Tính tới cộng đồng dân tộc Tày tại vùng Đông Bắc, bước chân của nữ nghệ sỹ Hà Thị Ngọc đã đặt lên hầu hết các địa danh của Bình Liêu và các huyện lân cận. Qua mỗi chuyến đi, chị nhận ra, mình thật may mắn khi được sống trên một vùng đất mang vẻ đẹp vừa hùng vĩ, mà rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Chính vẻ đẹp của núi từng đã góp phần thổi hồn để những làn điệu Then thêm nồng đượm, đắm say.Không gian ngút ngát xanh của núi rừng Bình Liêu
Hà Thị Ngọc yêu và tự hào về một Bình Liêu đẹp dịu dàng với những nếp nhà cũ kỹ, mái ngói thâm nâu màu thời gian, về một Bình Liêu hùng vỹ mà nên thơ với những danh thắng nổi bật như: sống lưng Khủng Long, thác Khe Vằn, khe Tiên, cầu Nà Làng hay những bạt ngàn lau trắng muốt trên đỉnh Cao Ba Lanh.... Rồi những thửa ruộng bậc thang vàng rực mùa lúa chín, những rừng Sở, rừng Trẩu ngát hương khi đông về… Bình Liêu chinh phục lòng người bởi vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên hoang dã, nhưng đầy quyến rũ.
Để rồi, bằng tình yêu với những giai điệu then, tình yêu với quê hương, nữ nghệ sỹ Hà Thị Ngọc đã đi khắp Bình Liêu để góp phần đưa hát Then sống dậy, hòa vào dòng chảy đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao Đông Bắc hôm nay.
Hãy cùng theo chân nữ nghệ sỹ hát Then người Tày Hà Thị Ngọc khám phá những điểm dừng chân thú vị của Bình Liêu - Sa Pa thu nhỏ của Quảng Ninh dưới đây:
Trên "sống lưng khủng long" - cung đường tuần tra biên giới của Bình LiêuẢnh: NVCC
Nga Nguyễn
Theo Báo Thể thao Việt Nam