Miền Tây Nam bộ rất trù phú với những làng nghề độc đáo ven sông Tiền, sông Hậu. Mới đây, chúng tôi đã có ba ngày rong ruổi một vòng các tỉnh, hoà mình vào cuộc sống nơi này, thăm vườn cây trái và cảm nhận được nhiều điều thú vị...
Từ TP.HCM, chỉ sau hai tiếng đồng hồ, xe chúng tôi tới thị trấn Cái Bè (Tiền Giang). Từ đây, cả đoàn bắt đầu chuyến du ngoạn trên tàu thủy. Tàu lướt qua những căn nhà gỗ đơn sơ, những bè cá tấp nập, những đứa trẻ da đen nhẻm, hớn hở cười, vẫy chào những du khách. Thân thiện và cởi mở vốn là đặc tính của người miền Tây.
Rang bỏng làm cốm
Địa chỉ đầu tiên chúng tôi đến là cơ sở sản xuất bánh giấy của chị Nguyễn Thị Mơi. Chị múc bột mì từ thau nhựa cho vào những cái chảo hai ngăn một cách khéo léo. Những cái bánh giấy hình cầu vàng nhạt, bánh khoai hình tròn vàng nâu, lấm tấm mè, trông thật hấp dẫn. Chị Mơi đưa bánh mời khách nếm thử. Bánh nóng hổi, giòn rụm, nhanh chóng tan trong miệng, để lại vị ngòn ngọt của đường cát, vị beo béo của nước dừa và mùi thơm ngào ngạt của va ni, của mè...
Ghé lò cốm của anh Phạm Văn Hồ , chúng tôi được dịp xem anh thợ trẻ tên Ba làm việc. Chỉ với hai lon thóc nếp, sau khi rang với cát nóng, thóc nở bung ra thành một rổ bỏng trắng phớ. Sàng cát và vỏ trấu, bỏng được ngào đường trộn nước cốt dừa rồi ép khuôn, cắt thành từng miếng nhỏ hình chữ nhật.
Xưởng sản xuất kẹo dừa của anh Trần Văn Minh nằm trên một nhánh nhỏ của sông Tiền. Nước cốt dừa được cô trong những cái chảo to đến khi đặc sánh được đổ ra khay chờ khô, cắt thành viên rồi gói giấy, đóng bao..."
Tại mỗi cơ sở, khách vừa được mời dùng sản phẩm thoải mái, vừa nghe chủ nhà kể lại những giai đoạn chìm nổi của làng nghề. Đó là cách tiếp thị đơn giản để ai cũng mua vài gói kẹo, dăm bịch cốm...
Trưa, nghỉ ngơi tại cù lao An Bình. Bữa ăn được dọn dưới bóng mát của những tàng cây trĩu quả. Ăn xong, khách có thể ngả lưng trên những chiếc võng treo trong vườn, vừa đu đưa vừa say sưa nghe chim hót. Những người khác thì đi xe đạp (miễn phí) đi một vòng quanh cù lao. Đang mùa sầu riêng nên cả không gian ngan ngát hương. Chúng tôi khệ nệ ôm về một bịch sầu riêng vàng ươm, ngọt lừ, cả đoàn ăn mệt nghỉ.
Buổi chiều, chúng tôi tới làng nghề làm bánh tráng bên bờ sông Hậu. Ăn bánh đa nướng, bánh tráng nhúng thường xuyên, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi được ngắm các cô gái má đỏ hây hây ngồi bên lò trấu thoăn thoắt tráng bánh. Tôi muốn thử, cô gái trẻ tên Út cười tủm tỉm: “Ngó dzậy chứ làm không dễ đâu à nghen. Phải làm sao cho bánh vừa chín, không rỗ mặt, mịn màng…” .
Làng nuôi cá bè và dệt thổ cẩm ở làng Chăm cũng là những điểm đến lý thú. Chưa bao giờ chúng tôi được nhìn thấy cá nhiều đến thế và thổ cẩm đẹp đến thế. Những cô gái Chăm duyên dáng ngồi bên khung dệt. Tiếng thoi đưa lách cách và cảnh sông nước mênh mang dưới ánh hoàng hôn sẽ là những kỷ niệm khó quên.
Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ (ảnh: Lâm Viên)
Chợ nổi Cái Răng cách thành phố Cần Thơ khoảng 5 km. Những chiếc ghe chở đầy trái cây đủ màu, rau xanh đủ loại đậu san sát trên sông, tạo thành chợ. Cách giới thiệu sản phẩm ở đây khá độc đáo: một cây sào (cây bẹo), cắm trước mũi ghe rồi treo hàng hóa lên đó. Nhìn vào những “cây bẹo” sẽ biết ghe bán gì: bầu bí, dưa leo, hành củ, khoai mì, khoai lang…
Ngoài ra, tản bộ trong những con đường làng rợp bóng mát của những vườn cây ăn trái trĩu quả hay nhấm nháp bữa trưa trên ca nô, vừa ngắm dòng sông mênh mang những giề lục bình xanh ngắt, những khu rừng tràm rậm rạp lướt qua hai bên bờ…cũng đem lại một cảm giác thanh thản, thú vị.