Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp các cửa hàng mì Ramen trên các con phố lớn nhỏ khắp thế giới. Có vô số lựa chọn từ giá cả cho đến hương vị cho bạn lựa chọn. Thế nhưng bạn đã biết bao nhiêu về chúng? Chúng từ đâu đến? Ai là người đã tạo ra thứ mì từng là “đỉnh cao” một thời này? Có những sự thật về mì Ramen tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ khiến bạn phải ngã ngửa đấy.
Có người nói rằng, Momofuku Ando đã nảy ra ý tưởng làm một sản phẩm mì ăn liền mà sau này chính là mì Ramen dạng gói, khi ông nhìn thấy một hàng người xếp hàng dài kiên nhẫn chờ đợi cho một tô mì. Ông muốn tạo ra một sản phẩm ngon, rẻ và dễ chế biến để mọi người có thêm sự lựa chọn cho món mì Ramen trứ danh xứ anh đào.
Năm 1958, Ando lần đầu tiên giới thiệu mì Ramen gà và sau đó là Cup Noodle vào năm 1971. Và sau đó thức mì này dần trở thành một nét đặc sắc của ẩm thực Nhật Bản.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch Tokyo Nhật Bản
Ngày nay, mì Ramen ăn liền được coi như một món ăn "ngon, bổ, rẻ". Thế nhưng, hẳn nhiều sẽ không biết, thức mì ăn liền này đã từng có một thời huy hoàng, được coi như một “xa xỉ phẩm" tại Nhật Bản.
Cha đẻ của mì Ramen, Momofuku Ando đã tạo ra gói Ramen gà ăn liền như một món ăn tiện lợi, có thể ăn mọi lúc mọi nơi vào năm 1958. Đây là thời điểm mà lương thực vẫn còn tương đối thiếu thốn ở Nhật Bản. Thế nhưng, khi mì Ramen gà ăn liền lên kệ siêu thị, chúng lại trở thành một món ăn liền “sang chảnh” với giá thành cao hơn tận 6 lần so với một gói mì Udon tươi. Bất kể là Ramen ăn liền hay Ramen tươi, thứ mì hảo hạng này cũng là một nét đặc trưng của ẩm thực Nhật Bản.
Theo thống kê của một tổ chức có cái tên nghe như đùa, Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nhiều mì Ramen nhất trên thế giới hàng năm. Tổ chức này có tồn tại thật.
Vào năm 2013, quốc gia này đã tiêu thụ tới hơn 46 tỷ gói mì Ramen. Có thể thấy nét ẩm thực Nhật Bản này được hưởng ứng như thế nào ở con rồng châu Á.
Có thể bạn không biết, mì Ramen luôn luôn trong tình trạng “cháy hàng” trong nhà tù trên đảo Rikers, New York. Thức mì ăn liền này luôn là sản phẩm được tiêu thụ với tốc độ nhanh nhất. Có thể vì chúng đáp ứng được các nhu cầu cơ bản “ngon - bổ - rẻ”. Và kể cả khi đã chán ăn, họ vẫn mua mì Ramen ăn liền để lấy gói gia vị, trộn chung với mấy món ăn nhạt nhẽo khác.
Bạn có thể ngờ được món mì đặc trưng của ẩm thực Nhật Bản lại đi xa đến vậy?
Nhìn qua thì mì Ramen ăn liền chỉ bao gồm nước dùng, gia vị và nước sốt. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có sự điều chỉnh gia vị, thêm nếm thành phần và cách dùng nước sốt khác nhau. Từ đó mà tạo nên đặc sản Ramen khác nhau ở từng vùng cũng như món ăn trứ danh của ẩm thực Nhật Bản. Đến đây, chắc chắn bạn không thể tìm ra hai vùng có cùng hương vị Ramen.
Có ít nhất 22 cách chế biến, thưởng thức mì Ramen khác nhau.
Tham vọng của Momofuku Ando không chỉ dừng lại ở trái đất, mà nó còn vươn đến cả vũ trụ. 2 năm trước khi Ando qua đời, 2005, ông đã tạo ra một loại mì Ramen ăn liền được lưu trữ trong bao chân không có tên là “Space Ram”. Nó được phát minh để có thể sử dụng trong môi trường không gian ngoài vũ trụ.
Cuối cùng tâm nguyện của ông cũng đạt được khi “Space Ram” đã đồng hành cùng phi hành gia Nhật Bản Soichi Noguchi trong tàu con thoi Discovery ra ngoài vũ trụ. Vậy là một lần nữa, nét ẩm thực Nhật Bản này đột phá với bước nhảy ra ngoài không gian.
Có thể bạn chưa biết, sợi mì Ramen ăn liền từng được đưa vào một trong những phép đo kỳ lạ trên thế giới với chiều dài 51 mét - tương đương với 2 sân bóng rổ. Nếu không có phép đo này chắc chúng ta cũng “không tưởng” được như thế đâu nhỉ!
Chiều dài “không tưởng” của món mì Ramen. Ảnh: Markus Winkler.
Ở Nhật Bản, Việc im lặng trong khi ăn mì Ramen được coi là một sự tôn trọng. Đó là sự tôn trọng đối với những người đầu bếp đã dành thời gian để tạo ra một kiệt tác ẩm thực tuyệt vời và ngon như vậy.
Lịch sử của món mì Ramen không rõ ràng. Một số người nói rằng thức mì đặc trưng của xứ sở hoa anh đào có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong khi nhiều người vẫn nhận định rằng nó được phát minh ở Nhật Bản vào thế kỷ 20, là một nét ẩm thực Nhật Bản lâu đời.
Trong cuốn "Being Japanese American" của Gil Asakawa có nói rằng, trong tiếng Trung, từ “Lo mein” (撈麵 - lao miến) được phát âm trong tiếng Nhật là “ramen”. Không biết có bất cứ sự liên quan nào với món mì Ramen trứ danh của xứ anh đào hay không, nhưng món "Lo mein" của người Trung Quốc cũng được chế biến bằng cách luộc mì trong một loại nước dùng đặc biệt làm từ nước tương, ăn cùng với rau củ luộc cũng như thịt nướng.
Có những thứ tưởng như rất bình thường nhưng lại ẩn chứa những sự thật “không tưởng”. Món mì Ramen trứ danh của xứ sở hoa anh đào là một ví dụ điển hình.
Xem thêm: Team yêu mèo không thể bỏ qua làng Houtong: Nơi ở của các boss mập ú
Linn Tran
Theo Báo Thể thao Việt Nam