Banner Movi

Người Việt ứng xử tinh tế như thế nào trong bữa cơm

Thứ tư, 16/01/2019, 10:47 GMT+7
Văn hóa ứng xử trên mâm cơm là một trong những điều bạn nên biết để luôn trở thành những vị khách lịch sự trong bữa cơm của người Việt Nam.
quảng cáo
 
Văn hóa ứng xử của người Việt Nam được hình thành từ nghìn đời nay, nó được ông cha ta lưu giữ, truyền lại từ đời này sang đời khác. Người Việt tinh tế trong lối ứng xử, đặc biệt là văn hóa ứng xử ở mỗi bữa ăn - điều mà từ khi là một đứa trẻ người Việt đã được ông bà, cha mẹ truyền dạy. Ngày nay trong xã hội đã nhiều thay đổi, cuộc sống trở nên thoải mái và người ta không còn quá coi trọng những thứ giáo điều trong bữa ăn, tuy nhiên, những quy tắc ngầm này vẫn được nâng niu, nhất là khi bạn trở thành những vị khách trong bữa ăn của một gia đình Việt Nam.
 
Người Việt ứng xử tinh tế như thế nào trong bữa cơm
Bữa cơm gia đình của người Việt
 

Văn hóa dùng cơm của người Việt
 

Người Việt đặc biệt dùng từ “ cơm” để gọi tên các bữa ăn như “mâm cơm”, “bữa cơm”, “thổi cơm”. Bởi lẽ, cơm là thành phần chính trong bữa ăn mà không thể thay thế bằng nguyên liệu nào khác. Bên cạnh cơm, một bữa ăn chuẩn Việt cần đến các món rau, món canh và món mặn như thịt, cá, tôm…
 
Người Việt ứng xử tinh tế như thế nào trong bữa cơm
Cơm là nguyên liệu không thể thiếu trong bữa ăn
 
Mâm cơm của người Việt có hình tròn để tượng trưng cho sự sum vầy, đầy đặn và hạnh phúc viên mãn. Các món ăn sẽ được bày cùng một lúc sao cho vừa mâm trong đó nước chấm ở giữa, các món rau và thịt bày xen kẽ nhau xung quanh sao cho đẹp mắt.
 
Người Việt ứng xử tinh tế như thế nào trong bữa cơm
Mâm cơm gia đình
 

Văn hóa dùng đũa
 

Việc dùng đũa trong bữa ăn đã xuất hiện từ rất lâu đời và cùng với dòng chảy lịch sử của dân tộc, người Việt Nam bắt đầu hình thành nét văn hóa trong việc sử dụng đũa. 
 
Người Việt ứng xử tinh tế như thế nào trong bữa cơm
Đũa Việt Nam thường được làm từ tre
 
Nói về cách cầm đũa, thì cũng có bài bản riêng của nó. Trước khi cầm đũa, phải xếp hai đầu đũa cho đều nhau, lúc sử dụng chỉ động tới cạnh trên của đũa, dùng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cầm đũa. Trẻ con được dạy rằng, trước bữa ăn phải so đũa, chú ý đến đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch.
 
Người Việt ứng xử tinh tế như thế nào trong bữa cơm
Đũa được so rồi đặt lên miệng bát
 
Có những nguyên tắc bạn không nên làm trong việc sử dụng đũa. Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn. Không dùng thìa đũa cá nhân của mình khuấy vào tô chung. Không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn. Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm. Phải trở đầu đũa khi muốn tiếp thức ăn cho người khác. Những nguyên tắc nghe có vẻ giáo điều này thật ra lại giúp cho bữa ăn trở nên vệ sinh và giữ tính lịch sự trong ăn uống.
 

Chuyện mời cơm
 

Tục mời cơm của người Bắc là cả một nét đẹp trong văn hóa ứng xử. Chính những lời mời tưởng chừng như vô thức ấy đã giáo dục cho con người ta hiểu lẽ biết ơn, biết nhận diện những hạnh phúc đơn thuần, bình dị, cũng là để biết trân quý sự có mặt của nhau.
 
Người Việt ứng xử tinh tế như thế nào trong bữa cơm
Trẻ nhỏ phải mời cơm cả nhà một cách lễ phép
 
Khi mời cơm phải mời từ người lớn tuổi nhất trong nhà như ông bà rồi mới tới cha mẹ và anh chị. Lời mời phải nhẹ nhàng, lễ phép đi kèm là hành động so đũa, lau bát cho người lớn tuổi hơn, thể hiện sự kính trọng bề trên trong bữa ăn nói riêng và trong văn hóa ứng xử nói chung.
 

Ứng xử trong ăn uống
 

Bữa ăn người Việt Nam luôn diễn ra một cách thoải mái và ấm cúng. Nếu bạn là một vị khách trong bữa ăn ấy thì bạn nên chú ý vài quy tắc để giữ lịch sự và đáp lại sự hiếu khách của gia chủ một cách văn hóa và tế nhị.
 
Người Việt ứng xử tinh tế như thế nào trong bữa cơm
Phép lịch sự khi ăn rất cần thiết cho những vị khách
 
Khi ăn, không nên ngồi quá sát mâm hay quá xa mâm cơm để vừa tay gắp đồ ăn trong mâm. Tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói, cũng không được thổi đồ ăn nóng mà phải múc chậm phần nguội hơn ở sát thành bát đĩa. Khi nhai, tối kỵ chép miệng hay tạo ra tiếng ồn khi ăn. Bạn nên chú ý cách chấm đồ ăn, chỉ nhúng phần thức ăn, không nhúng đầu đũa vào bát chấm, miếng đã cắn dở không được chấm.
 
Người Việt ứng xử tinh tế như thế nào trong bữa cơm
Chấm đồ ăn không nhúng đầu đũa vào bát
 
Dù là trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, tuyệt đối không chê khi món ăn chưa hợp khẩu vị mình. Điều này cực kỳ quan trọng vì không đơn thuần là phép lịch sự mà còn là một phần giáo dục nhân cách. Nếu không được dạy nghiêm túc, trẻ em từ chỗ phản ứng tự nhiên do khẩu vị sẽ tới chỗ tự cho mình quyền chê bai, phán xét, không trân trọng lao động của người khác. Món không ngon với người này nhưng ngon với người khác và có được nhờ công sức của rất nhiều người.
 
Bữa cơm gia đình của người Việt ẩn chứa nhiều đạo lý, thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong gia đình đồng thời thể hiện văn hóa ứng xử khéo léo trong ăn uống của người Việt Nam, đặc biệt là người Bắc. Những nguyên tắc ngầm này không được ghi chép thành sổ sách hay trở thành bài giảng nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng phải học bởi đó là nét đẹp, nét tinh tế của văn hóa dân tộc.
HânHân Lê
quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)