Banner Movi

Người Hà Nội lập làng hoa trên cao nguyên

Thứ sáu, 26/07/2019, 10:44 GMT+7
Theo tư liệu, cuối tháng 5-1938, một nhóm dân cư gốc Hà Nội đã đặt chân đến Đà Lạt, bắt đầu hành trình khai thiên lập ấp. Họ là những người “khai sinh” làng hoa đầu tiên và nổi tiếng trên vùng đất cao nguyên này…
 

Làng hoa đầu tiên trên cao nguyên 


Đưa khách tham quan một số hộ trồng hoa của Làng hoa Hà Đông (phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), ông Phan Hữu Giản, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng, Trưởng ban Quản lý Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông - một người con Hà Nội đã gắn bó cả cuộc đời với vùng đất Tây Nguyên, vuốt mái đầu bạc khẽ nói: “Thấm thoắt đã hơn 80 năm, từ lúc những người con Hà Nội đặt bước chân đầu tiên lên cao nguyên Lâm Viên (cao nguyên Đà Lạt) hình thành ấp Hà Đông để bây giờ người ta biết đến Làng hoa Hà Đông lâu đời nhất và nổi tiếng của thành phố Đà Lạt…”
 
Người Hà Nội lập làng hoa trên cao nguyên
Nông dân Làng hoa Hà Đông (thành phố Đà Lạt) thu hoạch hoa cúc
 
Để có thương hiệu “Làng hoa Hà Đông” như hiện nay, những hộ dân ở ấp Hà Đông đã trải qua gần một thế kỷ đoàn kết, khai phá vùng đất từ buổi đầu hoang sơ, lạnh giá... Theo “Dư địa chí Lâm Đồng”, vào những năm 1930, người Pháp cho xây dựng ở Đà Lạt nhiều công trình. Do thiếu nhân công, người Pháp và chính quyền sở tại chủ trương di dân từ các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung vào Đà Lạt làm lao công, phục vụ...
 
Ngày 29-5-1938, một nhóm 35 người Hà Nội đầu tiên được đưa vào Đà Lạt bằng tàu hỏa. Họ là những người thạo nghề làm vườn, từng sinh sống chủ yếu ở 6 làng hoa nổi tiếng như: Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc. Những năm 1939-1940 có thêm nhiều đợt người từ các làng quê trên tiếp tục vào Đà Lạt. Từ đó, những vùng đất hoang vu, lạnh giá dưới chân núi Langbian dần dần nhường chỗ cho những vườn rau, hoa… với tên gọi ấp Hà Đông.
 
Người Hà Nội lập làng hoa trên cao nguyên
Làng hoa Hà Đông nhìn từ trên cao

Đến nay, đa số những người tiên phong thuở ấy đã thành “thiên cổ”. Ví như gia đình cụ Nguyễn Đình Bộ ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 8. Cụ theo cha vào Đà Lạt khi mới 8 tuổi, đến nay gần 90 tuổi, phải "nhường" việc sản xuất cho con cháu. Điều khác biệt là các cụ ngày xưa trồng rau, trồng hoa bằng kinh nghiệm và tình yêu của người Hà thành, chủ yếu để kiếm sống; còn bây giờ thế hệ các con cháu đã áp dụng khoa học kỹ thuật trồng hoa công nghệ cao và để làm giàu.
 
Ông Hồ Vũ Phong, Chủ tịch UBND phường 8, thành phố Đà Lạt cho biết, người Hà Nội ngoài cần cù, làm nông nghiệp giỏi còn có tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao, trong quá trình xây dựng ấp từ lúc còn nhiều khó khăn đến bây giờ đời sống khá hơn nhiều, họ đều yêu thương, giúp đỡ nhau sản xuất, sinh sống. Họ cử người có uy tín đề xuất với chính quyền chủ trương về phát triển vùng hoa, làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới... và đều được phường, thành phố rất quan tâm hỗ trợ...
 
Từ vài chục héc ta đất khai hoang những năm đầu, đến năm 1980, cư dân ấp Hà Đông đã khai khẩn, sản xuất 166ha rau, hoa. Phát huy đức tính nghề trồng hoa có truyền thống cần cù, sáng tạo, cư dân ấp Hà Đông tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm rau, hoa. Đến nay, Làng hoa Hà Đông chuyên canh sản xuất hoa các loại, hình thành vùng sản xuất hoa tập trung với 130ha hoa cao cấp trồng trong nhà kính, nhà lưới có hệ thống tưới tự động; 230/450 hộ chuyên trồng hoa, thu hút 600 lao động tại chỗ và 1.000 lao động thời vụ từ các tỉnh, thành phía Bắc, miền Trung. Ngoài các loại hoa truyền thống có nhiều giống hoa mới nhập ngoại như: Cúc đại đóa, tulip của Hà Lan, hoa hồng của Pháp, địa lan của Mỹ, Nhật Bản... Đặc biệt, nhiều giống hoa có giá trị cao như hoa ly, cát tường, hoa hồng, cúc (hơn 30 loài), cẩm chướng, đồng tiền, salim... đang hiện hữu ở làng hoa này.
 

Điểm đến của du khách
 

Hơn 80 năm tạo dựng, Làng hoa Hà Đông trở thành làng hoa đầu tiên ở thành phố Đà Lạt. Sản phẩm hoa của làng hoa này hiện được tiêu thụ rất mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và xuất khẩu sang nhiều nước. Nhờ sản xuất hoa đạt sản lượng cao, cho thu nhập khá, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân thay đổi vượt bậc (30% số hộ giàu, 70% số hộ có mức thu nhập khá). Làng hoa Hà Đông đã có 15 tiền nhân trồng hoa nổi tiếng được triều đình Huế trước đây đặc cách ban thưởng sắc phong “Tòng Cửu phẩm văn giai”. Năm 2007 có 5 nghệ nhân trồng hoa được công nhận. Năm 2010, Làng hoa Hà Đông được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận Làng nghề truyền thống - một trong 5 làng hoa nổi tiếng của Đà Lạt...
 
Người Hà Nội lập làng hoa trên cao nguyên
Làng hoa Hà Đông nay đã trở thành một trong những điểm đến của du khách

Dù xa quê hương lập nghiệp, song người dân Làng hoa Hà Đông luôn gìn giữ phong tục truyền thống tốt đẹp, phong cách người Hà Nội... Bởi vậy, các tổ chức đoàn thể và một số cá nhân đã tích cực vận động Hội đồng hương Hà Nội tại Đà Lạt, các tổ chức, cá nhân… đóng góp xây dựng các công trình văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng làm nơi hội họp của nhân dân. Tháng 9-2010, Nhà Văn hóa Làng hoa Hà Đông được xây dựng trên thửa đất rộng 900m2 do lớp người Hà Nội đầu tiên đến khai hoang, tạo dựng. Nhà văn hóa có phòng trưng bày tư liệu, hình ảnh làng hoa, chân dung các tiền nhân có công...
 
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phan Hữu Giản, Trưởng ban Quản lý Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông cho biết, vào các dịp lễ, Tết, nhất là Festival Hoa Đà Lạt, mỗi ngày có hàng chục đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan làng hoa và trải nghiệm tại các nhà vườn... Làng hoa Hà Đông quần tụ trong một không gian có lợi thế về đất đai màu mỡ, khí hậu quanh năm mát lành phù hợp phát triển nông nghiệp, nhất là rau, hoa cao cấp. Làng hoa lại nằm trên hướng đi về huyện Lạc Dương - địa phương đang phát triển mạnh các mô hình du lịch sinh thái, dã ngoại, du lịch canh nông… Đây là điều kiện để nhiều du khách đến với làng hoa của người Hà Nội lâu đời nhất trên cao nguyên.

Còn ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết, tại phường 8, thành phố Đà Lạt hiện có tới 2 làng hoa được công nhận là Làng nghề truyền thống (Làng hoa Hà Đông và Làng hoa Đa Thiện). Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố những năm tới sẽ đầu tư để phát triển thành vùng trồng hoa cao cấp tập trung, kết hợp phát triển kinh tế với phát triển du lịch, du lịch canh nông là một trong 4 sản phẩm của Đà Lạt đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận năm 2017…
Y.T
Theo Báo Hà Nội mới