Những ngày đầu năm, con người và cảnh vật ở bản Cát Cát, Sapa khoác lên mình tấm áo rực rỡ hơn, tươi mới hơn chào đón năm mới.
Bản Cát Cát nằm tại xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, gần trung tâm thị trấn. Đây là làng dân tộc người Mông, nằm bình yên bên thác nước Cát Cát (thác Tiên Sa) trong thung lũng ngay chân núi Hoàng Liên Sơn với ba bề là núi non hùng vĩ. Bạn hãy chuẩn bị thể lực để khám phá Cát Cát để chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên, cũng như chụp những bức ảnh đẹp như tranh vẽ của những ngọn đồi và ruộng bậc thang. Vượt qua những đoạn đường cua tay áo uốn lượn, hai bên là những thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà lấp ló là bạn đã đến bản Cát Cát.
Từng bậc thang nối tiếp, xuống các chòi nhỏ, bạn có dừng chân tại đây để chụp ảnh, lấy toàn quang cảnh thung lũng từ trên cao. Dọc đường đi có nhiều ngôi nhà văn hóa, được bảo tồn, tái hiện sinh hoạt và cuộc sống thường ngày cho bạn hiểu biết hơn về người Mông.
Tiếp tục đi qua cây cầu Si là tới trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của 3 dòng suối: suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc.
Được hình thành từ giữa thế kỷ 19, bản Cát Cát gồm nhiều gia đình dân tộc người Mông, sống dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau và họ trồng trọt ngay trên những sườn đồi đó.
Nếu du lịch vào dịp đầu năm, bạn sẽ có thể được tham dự Lễ hội Gầu tào được tổ chức để cầu phúc hoặc cầu mệnh cho những người dân bản. Ngoài ra, bạn sẽ chiêm ngưỡng những điệu múa đặc trưng của đồng bào người Mông trong tiếng khèn lá, tiếng sáo Mông, tiếng đàn môi và tiếng hát dìu dặt.
Ở bản Cát Cát nổi tiếng với tập tục bắt vợ của người H’Mông. Người con trai đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ làm cỗ mời bạn bè đến kéo cô gái về nhà trong 3 ngày. Nếu cô gái đó đồng ý làm vợ anh ta thì người con trai sẽ làm lễ cưới chính thức, kéo dài từ 2 - 7 ngày. Còn nếu cô gái không đồng ý, họ sẽ cùng uống với nhau bát rượu làm bạn và trở về bình thường.
Kim Chi
Ảnh: Thu Hà