![]() |
Phố Hiến - Một "Tiểu Tràng An" quyến rũThứ sáu, 12/04/2013, 14:52 GMT+7
Thời kỳ hưng thịnh nhất của Phố Hiến là vào cuối thế kỷ XVI và XVII. Nếu Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay) có 36 phố phường thì Phố Hiến khi ấy có 23 phố phường và được ví như "Tiểu Tràng An".
Từ năm 2007 trở đi, TP Hưng Yên đều tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến hằng năm nhằm quảng bá hình ảnh Phố Hiến xưa - TP Hưng Yên hôm nay đến nhân dân và du khách thập phương. Hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, lễ hội văn hóa dân gian vùng Phố Hiến năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng kết hợp với những trò chơi dân gian truyền thống mang đậm dấu ấn của văn minh sông Hồng. ![]() Đua thuyền trên hồ Bán nguyệt
Phố Hiến xưa kia là một thương cảng sầm uất, nổi tiếng với câu ca "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Thời đó, tàu thuyền, thương nhân từ hơn 10 nước tới giao thương, buôn bán tạo nên không khí náo nhiệt "trên bến dưới thuyền". Thời kỳ hưng thịnh nhất của Phố Hiến là vào cuối thế kỷ XVI và XVII. Nếu Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay) có 36 phố phường thì Phố Hiến khi ấy có 23 phố phường và được ví như "Tiểu Tràng An". Cùng với hoạt động thương mại, người nước ngoài đã mang đến nơi đây những phong tục tập quán, kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa riêng của từng quốc gia, từng dân tộc. ![]() Trải qua biến cố của thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến nay là TP Hưng Yên giờ không còn là cửa biển như trước kia với cảnh buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền, nhưng các di tích, danh thắng, những giá trị văn hóa ghi dấu một thời của "Tiểu Tràng An" vẫn còn khá nguyên vẹn. ![]() Ngoài các công trình liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, Phố Hiến hiện còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến đời sống sinh hoạt của người Phố Hiến xưa như chợ, giếng, nghĩa địa người nước ngoài và nhiều di vật quý báu, ẩn chứa các dấu tích lịch sử, văn hóa. ![]() Đến với lễ hội, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian lễ hội mà còn là dịp để du khách thưởng ngoạn, tìm hiểu về các di tích lịch sử - văn hóa vốn được xem là điểm nhấn về du lịch Phố Hiến. ![]() Cách đó không xa là chùa Chuông, đền Mây. Chùa Chuông thuộc phường Lam Sơn có tên chữ là "Kim Chung tự" (chùa Chuông Vàng). Chùa được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV), qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật cổ vốn có. Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ. Theo sách "Hưng Yên tỉnh nhất thống chí" của Trịnh Như Tấu có ghi: "Chùa Chuông Phố Hiến đẹp nhất danh lam" để khẳng định vẻ đẹp của ngôi chùa độc đáo này. ![]() Tương truyền mảnh đất này trước đây là nơi đóng quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Liền đó là đền Mẫu, nơi thờ bà Quý phi họ Dương, người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thủy với vương triều, dòng tộc. Đây là ngôi đền có cảnh quan đẹp với phía trước là mặt hồ Bán nguyệt trong xanh, trong sân có cây cổ thụ gồm 3 cây đa, sanh, si có niên đại gần 700 tuổi đan quấn vào nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền, tạo cho đền vẻ linh thiêng, kỳ bí. ![]() Nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của cha ông để lại, từ nhiều năm nay, TP Hưng Yên đã phục dựng và tổ chức các lễ hội văn hóa vùng Phố Hiến. Đây là năm thứ 7 TP Hưng Yên tổ chức lễ hội này. ![]() Lễ khai mạc sẽ được tổ chức tại Quảng trường trung tâm tỉnh, nơi hội tụ các đầu mối giao thông với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Mở đầu chuỗi các sự kiện diễn ra trong lễ hội sẽ là phần tế lễ, như lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ rước kiệu của các di tích. Đây là các nghi thức nhằm khôi phục, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng ở các đình, đền, chùa, miếu… ![]() Ngoài được thưởng ngoạn các di tích lịch sử văn hóa, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội mang đặc trưng riêng chỉ có ở Hưng Yên. Và đặc biệt là chương trình biểu diễn nghệ thuật "Phố Hiến, ánh sáng trong trầm tích phù sa sông Hồng" trong đêm khai mạc lễ hội với những trích đoạn sử thi kèm theo các tiết mục nghệ thuật đặc sắc gợi lại hình ảnh Phố Hiến xưa, khắc họa chân dung những con người đất nhãn, ca ngợi quê hương Hưng Yên văn hiến và cách mạng… ![]() Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách được tìm hiểu sâu thêm về truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực, âm nhạc và các trò chơi dân gian độc đáo của vùng đất "Tiểu Tràng An" xưa. Đây cũng là dịp để TP Hưng Yên quảng bá tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử, lễ hội… nhằm không ngừng góp phần bảo tồn và phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. |
Copyright © 1997-2018 Dulichvietnam.com.vn |