Ngay khi vừa mới được khánh thành vào năm 2018, Cầu Vàng Đà Nẵng đã trở thành một điểm check in siêu HOT, khiến biết bao du khách phải xốn xang, ngỡ ngàng. Đến nay, dù đã qua 2 năm nhưng du lịch Cầu Vàng Đà Nẵng vẫn luôn được xem là một trong những trải nghiệm không thể bỏ lỡ đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố bên bờ sông Hàn. Trong bài viết này, Dulichvietnam sẽ cùng với các bạn khám phá cây cầu được cho là biểu tượng mới của Đà Nẵng này nhé.
>> Cẩm nang du lịch Việt Nam toàn tập
Giới thiệu về Cầu Vàng Đà Nẵng
Đà Nẵng vốn được xem là thành phố của những cây cầu. Trong đó, Cầu Vàng có lẽ là cây cầu đặc biệt nhất. Nó nằm ở vị trí 1414 mét so với mực nước biển, tại Vườn Thiên Thai, thuộc khu du lịch Bà Nà Hills, Hòa Phú, Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 25km về phía Tây.
Cầu Vàng ở Đà Nẵng được người ta ví như một “siêu phẩm” nằm giữa không gian núi rừng hùng vỹ, hoang sơ của Bà Nà. Nó có chiều dài khoảng 150 mét, bao gồm 8 nhịp, 7 trụ, rộng 5 mét. Với lối kiến trúc có thể nói là độc nhất vô nhị, ngay khi được khánh thành, Cầu Vàng đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng cùng hàng loạt kỷ lục.
Tạp chí Time danh tiếng của Mỹ cũng đã bình chọn Cầu Vàng Đà Nẵng là một trong số 100 địa điểm tuyệt vời nhất trên thế giới. Ngoài ra, cây cầu nổi tiếng này cũng nằm trong danh sách 28 cây cầu đẹp nhất thế giới do trang web nổi tiếng Insider bình chọn.
Cầu Vàng do ai thiết kế?
Du lịch Cầu Vàng Đà Nẵng, bất cứ ai cũng đều phải ngỡ ngàng và ấn tượng trước một tuyệt tác được tạo ra bởi bàn tay con người. Và chắc hẳn phần lớn mọi người đều nghĩ rằng cây cầu này phải được thiết kế bởi một kiến trúc sư đại tài nào đó của thế giới. Thế nhưng thật ra nó lại được tạo ra bởi một kiến trúc sư Việt Nam có tên Phạm Thị Ái Thủy. Đây là một cô gái sinh năm 1983, tốt nghiệp ngành Kiến trúc sư và đã đạt rất nhiều giải thưởng về kiến trúc. Hiện nay, chị đang làm giám đốc của trung tâm nghiên cứu Kiến trúc cảnh quan của trường đại học kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã thiết kế nên cây Cần Vàng Đà Nẵng lừng danh.
>> Xem thêm: Có gì thú vị tại Fantasy Park – công viên giải trí trong nhà lớn nhất thế giới
Kiến trúc của Cầu Vàng Đà Nẵng có gì đặc biệt?
Dù có tên là Cầu Vàng nhưng cây cầu này lại không bắc qua bất cứ một con sông nào. Thay vào đó nó nằm vắt vẻo giữa lưng chừng núi, ở độ cao 1414 mét so với mực nước biển. Cầu Vàng tại Đà Nẵng sở hữu lối kiến trúc có thể nói là độc nhất vô nhị của Việt Nam. Mặt cầu được làm bằng gỗ kiềng, rộng 5 mét trong đó có 3 mét dành cho người đi bộ tham quan, 2 mét còn lại được trang trí bằng những loài hoa đẹp mê hồn. Phần lan can của cầu được làm bằng inox mạ vàng, với vẻ đẹp sáng bóng vô cùng ấn tượng.
Tuy nhiên nếu chỉ có như vậy thì Cầu Vàng cũng chưa có gì quá đặc biệt. Điểm ấn tượng nhất của cây cầu này nằm ở đôi bàn tay khổng lồ, như đang nâng đỡ dải lụa vắt ngang núi đồi. Hình ảnh độc đáo này đã khiến cả thế giới đều phải ngỡ ngàng và nể phục sự sáng tạo của những kiến trúc sư tài ba đã tạo nên công trình tuyệt đẹp có một không hai.
Cầu Vàng Đà Nẵng là điểm check in sống ảo đẹp mê hồn
Với vị trí cao 1414 mét so với mực nước biển, bầu không khí luôn trong lành mát mẻ, cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, nên thơ khiến Cầu Vàng Đà Nẵng được xem là một điểm sống ảo trong mơ mà bất cứ ai khi đến du lịch Đà Nẵng cũng không thể nào bỏ qua.
Theo kinh nghiệm du lịch Cầu Vàng Đà Nẵng, bạn nên đến đây vào buổi sáng sớm. Lúc này, cả cây cầu được bao phủ bởi những làn sương mờ ảo, khiến khung cảnh đã đẹp lại càng nên thơ hơn gấp bội phần. Bầu không khí của buổi sáng sớm cũng vô cùng trong lành, mát mẻ, giúp bạn rời xa khỏi sự ồn ào, ngột ngạt nơi phố thị.
Cách di chuyển đến Cầu Vàng Đà Nẵng
Thuê xe máy: Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, bạn có thể thuê xe máy với giá chỉ từ 100,000đ – 150,000đ để di chuyển đến khu du lịch Sun World Ba Na Hills.
Đi xe Bus: Xe bus sẽ đón khách tại Đà Nẵng trong khung giờ từ 7h30 – 8h30 sáng và đón khách từ Bà Nà trong khung giờ từ 14h30 – 15h30 hàng ngày. Giá vé là 150,000đ và thời gian di chuyển khoảng 75 phút.
Đi bằng taxi: Nếu bạn đi du lịch Đà Nẵng theo nhóm từ 4 đến 7 người thì có thể thuê taxi với giá khứ hồi từ 500,000đ – 600,000đ.
Sau khi đến khu du lịch Sun World Ba Na Hills, bạn tiếp tục di chuyển lên Cầu Vàng Đà Nẵng từ ga Marseille hoặc từ vườn hoa Thiên Thai.
Giờ mở cửa và giá vé
Giờ mở cửa: Từ 8h sáng đến 18h30 chiều tất cả các ngày trong tuần.
Giá vé Cầu Vàng Đà Nẵng:
- Du khách là người Đà Nẵng: 450,000đ/ 1 vé người lớn và 350,000đ/ 1 vé trẻ em.
- Du khách không phải là người Đà Nẵng: 750,000đ/ 1 vé người lớn và 650,000đ/ 1 vé trẻ em.
- Trẻ em cao dưới 1 mét được miễn phí hoàn toàn.
>>Du Lịch Miền Trung: Hà Nội – Đà Nẵng – Sơn Trà – Bà Nà – Hội An 3 Ngày + Bay Vietnam Airlines Giá từ 3,790,000đ
>> Du Lịch Miền Trung: Hà Nội – Huế – Đà Nẵng 4 Ngày, VMB + Xe Ôtô Giá từ 4,360,000đ
Lưu ý khi tham quan Cầu Vàng
- Không vứt rác bừa bãi để giữ gìn cảnh quan, môi trường xung quanh.
- Tuyệt đối không leo trèo lên lan can cầu để đảm bảo an toàn.
- Nếu đem theo trẻ nhỏ, phải luôn để mắt tới các bé.
- Nên mang theo nước uống và một chút đồ ăn nhẹ vì giá những thứ này tại Bà Nà khá đắt đỏ.
Trên đây là kinh nghiệm khám phá Cầu Vàng Đà Nẵng hữu ích dành cho những ai mới đi lần đầu. Bạn còn chần chờ gì nữa mà không đến với Đà Nẵng để có cơ hội được check in trên một trong những cây cầu đẹp và độc đáo nhất thế giới này nhỉ. Đừng quên theo dõi những tin tức du lịch Đà Nẵng để cập nhật thêm nhiều điều thú vị nhé.
Quỳnh Nguyễn