Được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1909, tòa nhà UBND TP HCM là một trong những công trình kiến trúc cổ đa văn hóa mang tính biểu tượng của Sài Gòn xưa. Với tuổi đời hơn 110 tuổi, công trình cổ kính này vừa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
>>Xem thêm: Bí kíp du lịch Việt Nam toàn tập
Tòa nhà UBND TP HCM là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
Kiến trúc của trụ sở UBND TP HCM có gì đặc biệt?
Tòa nhà UBND TP HCM tọa lạc tại số 86, đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1. Công trình nằm ngay đầu đường Nguyễn Huệ hướng ra sông Sài Gòn.
Theo các tài liệu ghi chép, tổng thống Pháp khi đó là ông Patrice de Mac Mahon đã ban hành sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn vào ngày 8/1/1877. Năm 1895, Hội đồng thành phố Sài Gòn tổ chức thi tuyển dự án xây dựng tòa thị chính, địa điểm là khu đất cao, địa thế vững chãi cuối đường Charner, nay là đường Nguyễn Huệ.
Kết quả là, tòa nhà UBND TP HCM được khởi công năm 1907 và khánh thành vào năm 1909, do kiến trúc sư người Pháp Femand Gardè thiết kế, ban đầu có tên tiếng Pháp Hôtel de ville, nghĩa tiếng Việt là Dinh xã Tây. Tòa nhà được lấy hình mẫu từ tòa thị chính ở Paris, theo phong cách Phục Hưng. Công trình có lầu chuông cao ở giữa kiểu miền Bắc nước Pháp, hai bên là hai dãy nhà đối xứng.
Tháng 8/1945, từ ban công của tòa thị chính này, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tuyên đọc danh sách Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, đây là sự kiện để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Nam Bộ thời kỳ đó.
Từ năm 1954 tòa nhà được gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thời bấy giờ. Năm 1966, ba khối nhà bốn tầng được xây dựng thêm trong khuôn viên để mở rộng các phòng làm việc. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, thì ngày 2/7/1976, Quốc hội Việt Nam quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành TP.HCM và tòa nhà được sử dụng làm trụ sở UBND TP HCM từ đó đến nay.
>> Xem thêm: Tour du lịch Sài Gòn giá rẻ
Thiết kế mặt tiền công trình có sự pha trộn của phong cách kiến trúc châu Âu với bố cục kiểu Phục Hưng, trang trí kiểu Baroque và Rococo, cửa sắt kiểu Art – nouveau. Cấu trúc điển hình là tháp nhọn nhô cao ở phần chính giữa, hai bên có hai tầng mái đăng đối, tòa nhà bên trái và bên phải thấp hơn so với các phần còn lại.
30 mét mặt tiền của tòa nhà UBND TP HCM là tháp chuông, tràng hoa, huy hiệu,… được tạo tác với độ tinh xảo mang phong cách kiến trúc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp (1870-1940). Mũ tự do Phrygia, vành nguyệt quế và nhà cách mạng là những biểu tượng được lặp lại trên mặt tiền của tòa nhà.
Còn chính giữa mặt tiền là tượng trang trí hình người phụ nữ và hai đứa bé đang chế ngự thú dữ. Hai bên cũng là hai bức phù điêu hình người phụ nữ. Đây là ba cụm điêu khắc thường xuất hiện tại những tòa tháp thị chính của nước Pháp xưa.
Ba cụm điêu khác này là hình tượng nhân cách hóa quốc gia về Nữ thần Marianne – hiện thân cho nền Cộng hòa Pháp, biểu hiện cho những giá trị tự do, bình đẳng, huynh đệ, bác ái.
Hình tượng nữ thần Marianne ngực trần đặt ở trọng tâm dưới tháp chuông và trên trán tường tòa nhà. Marinanne do với tay dựng thanh gươm – biểu tượng công chính và tấm bia luật, chim câu hòa bình đậu trên mũ tự do Phrygia. Một nhánh cọ biểu tượng cho sự chiến thắng, còn khẩu đại bác và cây súng dưới chân gợi nhớ đến cuộc cách mạng Pháp. Hình ảnh đứa trẻ chế ngự 2 con sư tử cũng nhằm thể hiện thuộc tính về sự bác ái.
>> Xem thêm: Chiêm ngưỡng Dinh Độc Lập – chứng nhân và dấu ấn của lịch sử Việt Nam
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia 110 tuổi của Sài Gòn
Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử đặc sắc, ngày 4/11 vừa qua, tòa nhà UBND TP HCM đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia sau hơn 4 năm thành phố có văn bản đề nghị.
Theo đó, tòa nhà trụ sở UBND TP HCM được công nhận là di tích cấp quốc gia thể loại di tích kiến trúc nghệ thuật. Khu vực được công nhận gồm các khu nhà: khu A1 và A2 sát đường Lê Thánh Tôn, khu B1 và B2 cách khu A một khoảng sân rộng và khu C sát đường Pasteur, nối liền khu A1 với khu B1.
Trong đó, khu vực được nhiều người quan tâm vẫn là khối nhà A1, cũng chính là phần trụ sở được xây dựng đầu tiên. Khối nhà A1 được xây dựng trên khu đất dài 136m, rộng 35m, có tầng hầm bên dưới nhưng từ sau năm 1975 tầng hầm này không còn được sử dụng.
Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng trong hồ sơ. UBND TP HCM thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích này theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Sau hơn một thế kỷ tồn tại, dù trải qua hai cuộc chiến tranh lớn, kiến trúc của tòa nhà UBND TP HCM lịch sử vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Không chỉ thế, tòa nhà còn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hình bản sắc đô thị của TP HCM thời hiện đại.
Tòa nhà UBND TP HCM mang tính điểm nhấn nằm ở cuối phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ngày nay, trên bản đồ du lịch, đây là địa điểm ghé thăm không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước tại TP HCM. Đừng quên theo dõi những tin tức du lịch Sài Gòn mới nhất của chúng tôi.
Nguyễn Ngân