Mảnh đất này không chỉ nổi tiếng bởi có thứ gạo đặc sản Séng Cù thơm ngon mà còn được du khách bốn phương nhắc tới vì sở hữu quần thể hang động liên hoàn được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1999. Trải qua bao năm tháng "ngủ say" trong lòng núi, khi tiềm năng du lịch được khai thác cũng là lúc "nàng tiên núi bừng tỉnh", phô ra vẻ đẹp lộng lẫy, kỳ ảo say đắm lòng người.
Tuy đã được ngắm vẻ đẹp của hang động Mường Vi qua ảnh nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi và một số người bạn được trực tiếp tham gia vào một cuộc hành trình khám phá động tiên. Từ thành phố Lào Cai ngược hướng Tây Bắc khoảng 20 km, qua thị trấn Bát Xát, đến xã Bản Vược rẽ trái chưa đầy chục km, chúng tôi đặt chân tới đất Mường Vi. Với địa hình giống như một lòng chảo được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ, Mường Vi từ nhiều đời nay là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Giáy và một số dân tộc khác.
Truyền thuyết kể lại, Mường Vi trước kia còn gọi là Mường Tiên. Vì thấy nơi đây phong cảnh núi non hùng vĩ, thơ mộng, nên các vị tiên trên trời thường bay xuống dạo chơi, ngắm cảnh và ở lại trong động. Hàng ngày, tiên dạy cho nhân dân biết khai khẩn ruộng nương, trồng lúa, trồng ngô. Nhờ đó mà bây giờ Mường Vi mới có thứ gạo Séng Cù thơm ngon nức tiếng. Mỗi khi làng bản có lễ hội, đám cưới, đám hỏi… các vị tiên nhà trời còn cho nhân dân mượn bát đũa, đồ dùng để tổ chức vui vẻ, linh đình. Nhưng do lòng tham và sự không trung thực của một số người mà tiên nổi giận, biến tất cả những đồ đạc, bát đũa, mâm xôi… thành đá, tạo nên quần thể hang động như hôm nay vẫn thấy.
Điểm đầu tiên chúng tôi khám phá trong quần thể hang, động Mường Vi là hang Ná Rin và Ná Rim, hay còn gọi là động Thủy Tiên nằm ở chân núi Cô Tiên. Cửa động nhỏ chỉ vừa một người chui, nhưng vào sâu bên trong một chút, bạn sẽ vô cùng bất ngờ bởi lòng động trở nên thoáng rộng và hiện ra muôn vàn thạch nhũ đẹp mê hồn. Nếu chỉ đứng ở ngoài nhìn thì chẳng ai ngờ ngay trong lòng núi này lại có một mê cung diễm lệ đến vậy. Ngược dòng suối trong vắt, nước mát lạnh róc rách chảy từ lòng động ra, chúng tôi bật đèn pin tiến vào sâu hơn. Hai bên vách động là những thạch nhũ đủ màu sắc chảy xuống muôn hình vạn trạng. Chỗ này là tấm rèm nhung mềm mại, chỗ kia là chiếc bàn đá nhẵn bóng; chỗ khác lại là tua nhũ óng ánh thủy tinh hay dàn đàn đá tự nhiên mà lấy hòn đá nhỏ gõ vào nghe phát những âm thanh rất hay… Nếu ngước mắt nhìn lên trần động, bạn sẽ vô cùng thích thú bởi được chiêm ngưỡng hàng trăm chiếc đèn chùm lớn nhỏ và nhũ đá óng ánh rủ xuống đẹp như mê cung. Từ chóp những thạch nhũ đã được hình thành từ triệu năm trước, từng giọt nước trong suốt, mát lạnh chắt từ lòng đá mẹ cần mẫn nhỏ xuống hòa vào dòng suối. Cùng với nhũ đá, những thác nước lớn nhỏ, cồn cát mịn hay dải sỏi trong suốt trải dọc theo suối trong lòng hang làm tôn thêm vẻ diễm lệ của động. Có chỗ, lòng động cao đến chục mét, rộng như một tòa nhà lớn, xung quanh được tạc bằng phù điêu, tạo thành bức họa thạch kiệt tác của tự nhiên…
Bên cạnh động Thủy Tiên, quần thể hang động Mường Vi còn có nhiều hang động khác đẹp và hấp dẫn không kém. Hang Pạc Cám - theo như các nhà khảo cổ học - còn chứa đựng nhiều dấu ấn của người xưa đến nay chưa khám phá hết được những bí ẩn. Động Cám Rúm, hay còn gọi là hang Gió vì lúc nào lòng động cũng hun hút gió, phía trong có nhiều nhũ đá hình ruộng bậc thang, có buồng nơi các cô tiên ngủ xung quanh là rèm đá óng ánh; động Cám Rang có cổng trời bằng đá, có những mâm ngũ quả đá đẹp như chốn tiên cảnh; động Cám Tẳm, tương truyền trong dân gian xưa là kho nông cụ, đồ dùng của các nàng tiên nay đã hóa đá…
Du lịch khám phá quần thể hang, động Mường Vi đem lại cho du khách nhiều điều thú vị. Cũng phải nói thêm rằng, từ trước tới nay, ngoài các nhà thám hiểm, có lẽ chưa ai biết hết các ngóc ngách và đi hết chiều sâu của động trong lòng núi Cô Tiên…
Đặc biệt quần thể động Mường Vi có một giá trị thực tiễn về chiến lược bảo vệ an ninh biên giới, làm giàu đẹp môi trường sinh thái của địa phương. Đây còn là nơi tìm hiểu các giá trị thẩm mỹ, cung cấp nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà nghiên cứu sáng tác về văn học và hội họa. Hiện nay nơi đây đã và đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nghành khoa học như: văn hóa, môi trường, du lịch, địa chất...nhằm khai thác bảo tồn phát huy các giá trị của di tích phục vụ sự phát triển kinh tế cho địa phương. Quần thể động Mường Vi được nhà nước công nhận là Di tích Danh lam thắng cảnh Quốc gia theo quyết định số 38/QĐ-BVHTT ngày 11/6/199 của Bộ Văn hóa Thông tin.