Đoạn đường dài hơn 80km từ thành phố Cà Mau về đến xã Khánh Bình Tây (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) dù đi ngang qua khu khí điện đạm Cà Mau vô cùng hoành tráng nằm giữa vùng đất trời thoáng đãng tận cùng của phương Nam Tổ quốc, hay nhìn rừng tràm U Minh Hạ bạt ngàn màu xanh cũng vẫn cảm thấy đoạn đường này quá dài, dài ngun ngút, quạnh hiu. Nhưng, từ bờ biển xã Khánh Bình Tây ra hòn Đá Bạc lại có thể đi bộ. Thú vị thật!
Nối liền vàm Đá Bạc của xã Khánh Bình Tây với hòn Đá Bạc nằm chơ vơ ngoài biển bây giờ là một cây cầu đúc bằng xi măng có 2 làn đường cùng hệ thống đèn điện thẳng tắp dài hơn 1.000m rất kiên cố và không kém phần hoành tráng. Ít ai biết, trước đây hòn Đá Bạc nằm cách xa bờ xã Khánh Bình Tây đến hơn 4,2km; người dân huyện Trần Văn Thời muốn ra ngoài hòn phải có tàu, ghe. Những năm gần đây, vàm Đá Bạc được bồi tụ, lấn dần ra biển hình thành thêm một ấp chài mới, níu gần ra hòn Đá Bạc.
Với diện tích không lớn lắm, chỉ 6,34ha, hòn Đá Bạc bao gồm: hòn Ông Ngộ, hòn Sân Tiên và Đá Bạc với đỉnh nhô cao nhất lên đến 22,7m được bao phủ bởi thảm thực vật xanh tươi quanh năm và được “bọc lót” chung quanh bởi những tảng đá khổng lồ kê san sát bên nhau tạo ra nhiều khe nước trong xanh thu hút các loài rong rêu, cá, hàu, tôm, cua… sinh sống; tạo nên một vùng sinh cảnh khá là hấp dẫn.
Xác định hòn Đá Bạc là điểm du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử, ngành thương mại và du lịch tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng trên hòn một khách sạn, nhà hàng rất bề thế, đặc biệt là thiết kế xây dựng một cặp rồng khổng lồ bằng xi măng cốt sắt rất uy nghi, hoành tráng đang trườn mình qua dãy Yên Ngựa nối liền hòn Sân Tiên với hòn Đá Bạc.
Để việc đi vào Khu du lịch Hòn Đá Bạc được thuận tiện, dễ dàng; một chiếc cầu xi măng dài gần 2.000m được xây dựng đã nối liền vàm Đá Bạc với hòn Đá Bạc tạo thành con đường trên biển lồng lộng gió, thu hút nam thanh nữ tú các nơi đi xe gắn máy ra tận ngoài hòn ngao du, thưởng lãm. Cây cầu đầu tiên “nối hai bờ vui” này đã bị cơn bão số 5 (năm 1997) đổ bộ vào Cà Mau đánh gãy sập thành nhiều khúc. Nay trên hòn vẫn còn giữ lại mấy khúc cầu đã gãy lại để làm “nhân chứng thiên tai”. Tuy nhiên, ngay sau sự cố cây cầu bị sập, Cà Mau nhanh chóng xây lại cây cầu mới kiên cố, đẹp đẽ hơn để “welcome” du khách bốn phương.
Hấp dẫn dân sành điệu là nguồn hải sản tươi sống và rất phong phú được đánh bắt quanh hòn Đá Bạc; trong đó hàu là sản vật ngon của vùng biển này từng được hai tác giả Nghê Văn Lương và Huỳnh Minh đưa vào cuốn sách sưu khảo “Cà Mau xưa”.
Theo quy hoạch, hòn Đá Bạc sẽ bao gồm: khu dịch vụ du lịch, khu tưởng niệm (để nhớ đến những người đã khuất trong cơn bão lịch sử số 5), khu vực bia chiến thắng (Chuyên án CM12 và địa điểm bố trí 2 khẩu pháo 105 ly của quân Mỹ nguỵ nhằm khống chế toàn bộ vùng biển Tây Cà Mau trước năm 1975), nhà trưng bày, giới thiệu đặc điểm tự nhiên, lịch sử hình thành cùng các truyền thuyết về dấu Chân Tiên, Hang Hòn… Khai thác đặc điểm tự nhiên cùng các di tích lịch sử, văn hóa, hòn Đá Bạc còn liên kết với Vồ Dơi - đầm Thị Trường - mũi Cà Mau hình thành tuyến du lịch xanh khá độc đáo của miền cực Nam Tổ quốc.