Cửa Tử Thái Nguyên không phải là cái tên xa lạ trên bản đồ du lịch miền Bắc nhưng vẫn còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ vốn có của nó. Khám phá con suối với cái tên độc đáo này, bạn sẽ càng thêm ấn tượng trước sự diệu kỳ và đặc biệt của nó.
Cửa Tử Thái Nguyên ở đâu chắc chắn đang là thắc mắc của nhiều người khi chuẩn bị lên kế hoạch vi vu tới đây. Địa chỉ chính xác của con suối này là xã Hoàng Nông, thuộc huyện Đại Từ, cách trung tâm TP. Thái Nguyên hơn 40km.
Xã Hoàng Nông nằm ở phía Tây của huyện Đại Từ, thuộc vùng núi Tam Đảo. Đây cũng là xã ngã ba ranh giới của ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Một dòng suối chảy từ trên cao dãy Tam Đảo xuống, xuyên suốt dọc theo chiều dài của xã sau đó đổ vào sông Công, đó chính là Cửa Tử.
Sau khi đã biết Cửa Tử Thái Nguyên ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không lên ngay lịch ghé thăm cuốn suối độc đáo này để khám phá những điều mới mẻ ở xứ chè này.
Theo kinh nghiệm đi suối Cửa Tử, nơi này cách trung tâm TP Hà Nội hơn 110km, thời gian di chuyển khoảng 2 tiếng 30 phút. Nếu xuất phát từ Thủ đô, bạn chỉ cần đi theo Quốc lộ 3 sau đó vào cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đến Quốc lộ 37 là tới được địa phận xã Hoàng Nông.
Nếu chọn xe khách, tại các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát đều có xe đi Thái Nguyên. Giá vé dao động từ 70.000 - 150.000 đồng/người/lượt. Một số nhà xe uy tín cho khách du lịch Thái Nguyên tham khảo như Thanh Thủy, Đức Phúc, Lạc Hồng.
Nhìn chung, theo kinh nghiệm đi suối Cửa Tử, việc di chuyển từ các tỉnh thành phía Bắc tới đây không khó, thuận lợi, đường khá đẹp. Các du khách ở phía Nam có thể chọn đi máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài, kết hợp thăm quan Hà Nội và Cửa Tử Thái Nguyên hoặc các địa danh lân cận như Bắc Kạn, Cao Bằng...
Ngay từ cái tên, suối Cửa Tử đã khiến không ít người sợ sệt và tò mò. Theo chia sẻ của người dân địa phương nơi đây, cái tên Cửa Tử được bắt nguồn từ truyền thuyết được truyền từ đời này qua đời khác.
Có người thì kể do dòng suối chỉ có độc nhất một con đường lên và xuống nên được đặt tên Cửa Tử, có người thì lại nói rằng nó gắn với một câu chuyện liên quan tới chống giặc phương Bắc.
Trong bản làng khi ấy có đôi vợ chồng trẻ, vợ tên Ngàn, chồng tên Núi. Khi quân giặc phương Bắc lăm le chuyện xâm lược nước ta, người chồng đã lên đường phò vua đánh giặc cứu nước. Vợ ở nhà làm nương, chăn tằm, dệt vải. Không may, giặc tràn vào cương thổ, cướp bóc, đốt phá nhà dân, tàn sát người dân. Dân trong làng liên chạy vào núi nhưng mới tới cửa rừng quân giặc đã đuổi kịp. Họ dùng mọi loại vũ khí để ra sức chặn giặc, cứu người già trẻ em. Trận chiến diễn ra khốc liệt, xác giặc xếp chồng chất. Ngàn và ba mẹ chồng cũng tử trận tại đây. Từ đó, cửa rừng được đặt tên là Cửa Tử.
Trekking suối Cửa Tử, bạn sẽ được nghe về truyền thuyết đầy hào hứng để hiểu hơn phần nào về đời sống văn hóa của người dân địa phương. Không chỉ vậy, cung đường tới với con suối với cái tên đặc biệt này cũng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị mà bạn khó tìm thấy ở những nơi khác.
Nằm lọt thỏm giữa các ngọn núi, Cửa Tử Thái Nguyên gồm 7 con thác, chảy róc rách len lỏi qua những sườn núi, vách đá sừng sững, hai bên là những tán cổ thụ vài trăm năm tuổi rộng lớn, một vòng tay người ôm mới xuể.
Có thể nói, hành trình trekking suối Cửa Tử không phải dễ dàng, đòi hỏi các du khách phải bền bỉ, dũng cảm. Để khám phá được trọn vẹn vẻ đẹp của con suối trên vùng đất Thái Nguyên này, bạn buộc phải bơi qua hồ nước xanh mát lành sâu hoắm, trekking qua những phiến đá đã bám đầy rêu đủ mọi hình thù kỳ dị chặn trên lối đi nhỏ xíu... Dù vất vả nhưng dọc đường đi khá mát mẻ bởi có rất nhiều cây cổ thụ.
Sau khi băng qua đường dài khoảng 10km ở rừng sâu, hiện lên trước mắt khách thăm quan là bức tranh thiên nhiên vô cùng tráng lệ. Trong đó, Cửa Tử 1 được nhiều du khách dừng chân hơn cả. Đây là đoạn suối khá dài chảy giữa hai bên vách đá, lòng suối bằng phẳng, có nhiều cát cùng đá cuội nhỏ, nước lại trong vắt, mát lành, thích hợp để bơi lội. Đường tới Cửa Tử 1 cũng nhẹ nhàng, dễ đi hơn, thích hợp để cắm trại, picnic hay chụp ảnh check in.
Nếu là người đã có kinh nghiệm leo núi, thích mạo hiểm, khám phá hơn nữa thì thích hợp để trekking Cửa Tử 2 tới Cửa Tử 7. Tuy nhiên, đường đi khá dài, bạn cần khởi hành từ sáng sớm nếu muốn đi hết.
Ở khu giữa Cửa Tử 2 và Cửa Tử 3 là một máng trượt tự nhiên, bằng đá do nước chảy đá mòn hàng trăm triệu năm hình thành. Du khách cần phải tuân theo đúng quy định an toàn của hướng dẫn viên nếu trượt thác nước này. Ở suối Cửa Tử, càng đi sâu vào rừng sẽ càng bắt gặp những thác nước chảy dữ dội từ trên cao xuống, tung bọt trắng xóa khắp nơi. Để đến được các thác nước cao nhất cần phải đi đường rừng trơn trượt, khó nhằn.
Trong số các thác ở Cửa Tử Thái Nguyên, thác Thiên Đường vẫn được truyền tai nhau là con thác quyến rũ nhất. Thác nước cao khoảng 15m, dưới chân thác tạo thành hồ nước sâu và rộng, được ví là Tuyệt tình cốc của Thái Nguyên. Vào mùa hè, nước rất mát, chỉ từ 15-20 độ C, được ngâm mình xuống dòng nước này, cái nắng nóng hay mệt mỏi của các chặng đường trekking vất vả dường như cũng tan biến.
Đối với những người đi thích leo núi, điều hấp dẫn nhất ở Cửa Tử có lẽ là được vượt qua các tảng đá cao lớn trơn trượt, băng dòng thác chảy xiết, đắm chìm vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng núi.
Tới với Cửa Tử bạn chẳng còn nghe thấy tiếng xe cộ, tiếng còi inh ỏi hay khói bụi ô nhiễm, ở đây chỉ còn tiếng lá cây xào xạc, tiếng suối chảy như bản nhạc hòa ca, tiếng chim muông núi rừng... Tất cả tạo nên một sức hút khó thể cưỡng lại với những ai đang muốn thử thác bản thân, muốn chữa lành tâm hồn hay đơn giản là tìm đến một điểm đến mới để xả stress dịp cuối tuần.
>>Xem thêm: Đi Hồ Núi Cốc chơi gì? Du ngoạn khám phá vẻ đẹp của ‘nàng công chúa’ Thái Nguyên
Trekking suối Cửa Tử, du khách cần bỏ túi một số kinh nghiệm dưới đây để chuyến đi diễn ra thật an toàn và trọn vẹn nhất:
+ Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch suối Cửa Tử là vào mùa hè, những ngày không mưa. Do đó, bạn nên xem dự báo thời tiết trước khi khởi hành.
+ Tốt nhất nên có hướng dẫn viên là người dân địa phương đi cùng nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm leo núi, xuyên rừng.
+ Không xả rác bừa bãi, khi cắm trại xong cần dọn dẹp sạch sẽ, không để lại rác trong rừng hay khu vực bờ suối.
+ Du khách nên mang thêm một bộ quần áo nữa để thay thế khi cần thiết .
+ Bạn có thể mang sẵn đồ ăn nhẹ đi để tổ chức picnic, cắm trại tại suối Cửa Tử Thái Nguyên.
Ghé thăm suối Cửa Tử, du khách có thể tranh thủ tới một số điểm du lịch Thái Nguyên nổi tiếng khác cách đó không xa dưới đây.
Theo kinh nghiệm đi Thái Nguyên, hồ Núi Cốc chỉ cách Cửa Tử hơn 20km, là một thắng cảnh tự nhiên cực hút khách. Cả khu du lịch có tổng cộng 89 hòn đảo như đảo Núi Cái, đảo Cò, đảo Hoa, đảo Long Hội...
Tới hồ Núi Cốc, bạn có cơ hội ngồi thuyền thúng, khám phá động Thế giới Cổ tích và Âm phủ, vui chơi tại công viên nước, tham gia các trò cảm giác mạnh, thăm quan khu động vật hoang dã, quần thể Thuyết Nhân Quả - Chùa Thiêng Thác Vàng... Tới hồ Núi Cốc, du khách vui chơi cả ngày không biết chán.
Từ trước đến nay, Thái Nguyên vẫn được biết đến là địa danh có những điểm căn cứ địa cách mạng nổi tiếng. Do đó, tới xứ chè mà bỏ qua khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa thì quả là thiếu sót. Đặc biệt, khu di tích chỉ cách Cửa Tử hơn 30 cây số mà thôi.
Quần thể ATK có hơn 20 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia như nơi đặt trụ sở làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khau Tý; Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đồi Nà Đình, xóm Khuôn Tát, Di tích Địa điểm diễn ra Lễ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội ta ở Nà Lọm…
Trên đây là kinh nghiệm du lịch Cửa Tử Thái Nguyên cho bạn và gia đình. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam