U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) với hệ sinh thái đa dạng dưới tán rừng nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật có giá trị kinh tế cao gần gũi với đời sống hằng ngày của người dân quanh vùng. Hoạt động du lịch cộng đồng nơi đây có phần mang tính chất dân dã đem đến cho khách du lịch nhiều cảm giác khác nhau vô cùng thú vị.
Chiến lợi phẩm ngày mới từ rừng
Nắm bắt được nhu cầu tham quan trải nghiệm của nhiều đối tượng khách du lịch. Được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương, ông Mười Ngọt cùng với gia đình đã mạnh dạn suy nghĩ và phát triển nhiều hoạt động du lịch độc đáo thú vị ngay trên mảnh đất quê nhà.
Tham quan vọng lâm đài là bước đầu tiên giúp du khách có thể bao quát toàn bộ không gian bao la của rừng. Các vọng lâm đài từ đơn sơ cây nhà, lá vườn đến kiên cố hiện đại đã được gia đình ông Mười xây dựng vừa để canh gác và bảo vệ rừng vào mùa khô chống cháy vừa phục vụ du khách có thể quan sát được toàn cảnh khác nhau của từng cánh rừng để thấy được sự đa dạng của nguồn tài nguyên sinh vật quanh đây.
Hoạt động tìm bắt các loài động vật sinh sống dưới tán rừng sẽ là màn khởi động cho du khách bước vào hành trình trải nghiệm khi đến với điểm du lịch Mười Ngọt. Những lung nước ngọt ở giữa rừng (hay còn gọi là lung trời ban) là nơi mà các loài cá tụ họp về nhiều nhất, chúng sinh sôi nảy nở và trở thành nguồn thực phẩm dồi dào cho người dân địa phương và khách du lịch mỗi khi đến. Cá đồng ở rừng U Minh Hạ có thể nói là hằng hà sa số, người dân trong vùng đã nghĩ ra nhiều cách bắt và dụng cụ khác nhau như: chụp đìa, giăng lưới, đặt trúm,… Và những cách thức bắt cá đó đã được gia đình ông Mười khéo léo đưa vào trong hoạt động du lịch nhằm thu hút khách du lịch bởi sự bình dị dân dã của thói quen sinh hoạt thường ngày của người nông dân. Sau khi trải qua chuyến trải nghiệm thú vị, các sản phẩm thu được sẽ được bản thân du khách tự tay chế biến theo sự hướng dẫn của người đầu bếp như: Cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, canh chua cá đồng, lươn um lá nhàu, lẩu mắm rau rừng,…
Niềm phấn khích của du khách trước khi ăn ong
Trải nghiệm ăn ong là một hoạt động vô cùng thú vị. Khách du lịch được cùng theo chân những người thợ ăn ong, lấy mật ong và sau đó chế biến thành những món ăn độc đáo từ nguồn ong vừa được lấy. Người đi ăn ong phải chuẩn bị những vật dụng như: Lưới bảo vệ để tránh không bị ong đốt, đuốc xông khói bằng xơ dừa để xua đuổi đàn ong ra khỏi tổ, dao cắt ong và thùng đựng mật. Hoạt động ăn ong diễn ra vào thời điểm càng nắng càng thuận lợi và cũng có thể nói là một hoạt động du lịch mạo hiểm, gây cảm giác mạnh. Khoảnh khắc chứng kiến hàng vạn con ong đang quây quần bên tổ sẽ làm cho chúng ta chợt rùng mình, có một chút kiêng dè, nhưng khi càng tiến đến gần càng trở nên hứng thú và cái cảm giác ban đầu ấy dường như không còn nữa mà thay vào đó là sự tò mò, phấn khích phải chứng kiến cho được giây phút thú vị nhất của hoạt động ăn ong cho bằng được. Sản phẩm sau khi ăn ong thu được là mứt ong và tàn ong non. Mứt ong sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ cho khách du lịch thưởng thức, phần thì vắt lấy mật, phần ong non sẽ được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: chiên giòn, làm gỏi, nướng lá chuối,… Cảm giác bỏ một miếng ong non còn rỉ mật cho vào miệng, độ béo ngậy của ong non hòa quyện với vị ngọt ngọt chua chua của mật ong rừng tự nhiên sẽ đem đến cho du khách sự khoan khoái khi tận hưởng thành quả của mình.
Sau một ngày khám phá mệt nhoài, khoảnh khắc ngồi quây quần bên mâm cơm với những món ăn do chính tay mình chế biến sẽ khiến cho khách du lịch cảm thấy vô cùng khoan khoái. Lúc này bên mâm cơm chắc hẳn không thể nào thiếu vài xị đế và những giai điệu ngân nga của đờn ca tài tử khiến cho người nghe hòa quyện lòng mình với thiên nhiên đất trời mênh mông của rừng U Minh Hạ.
Nếu những khách sạn sang trọng với những tiện nghi hiện đại sẽ là sự lựa chọn trong thói quen của nhiều người khi đi du lịch thì những vách nhà lá sẽ là sự lựa chọn của phần nhiều những ai muốn trải nghiệm lối sống dân dã của người dân xứ rừng. Những căn nhà lá mát mẻ, tiện nghi bên trong được trang bị là những chiếc mùng vải, gối, mền thô sơ cùng những âm thanh râm ran của các loại côn trùng, tiếng cá đớp mồi, tiếng ếch nhái kêu râm ran, tiếng gió thổi, tiếng cây cối vi vu. Tất cả hòa quyện lại thành một khúc giao hưởng khiến khách du lịch dễ dàng chìm vào trong giấc ngủ.
Những hoạt động du lịch tại điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng như khu du lịch Mười Ngọt đang chiếm một vị trí quan trọng trong nguồn sản phẩm phát triển du lịch sinh thái của địa phương và là một nét mới, rất đặc trưng trong phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hứa hẹn sẽ đem đến cho khách du lịch những phút giây hết sức thú vị .
Đường đi đến điểm du lịch Mười Ngọt:
- Bằng xe môtô: (khoảng 40km tính từ trung tâm TP Cà Mau) Đường Ngô Quyền nối dài về hướng Hòn Đá Bạc, đến cầu Co Xáng, rẽ phải (gặp bảng chỉ dẫn về Mười Ngọt 8km), đi tiếp qua cầu kênh 88, chạy thêm một đoạn rẽ trái theo đường ống dẫn khí - Khí điện đạm Cà Mau, rẽ trái khoảng 1,5km nữa là đến Điểm du lịch Mười Ngọt. - Bằng ô tô: (khoảng 50km tính từ trung tâm TP Cà Mau) đường Ngô Quyền nối dài cách chợ Đá Bạc 2km có bản chỉ dẫn sân vận động Hoàng Thảo, rẽ phải đến đường ống dẫn khí - Khí điện đạm Cà Mau, tiếp tục rẽ phải khoảng 2km là đến với điểm du lịch.