Du lịch Hà Giang với những dãy núi cao xen lẫn các thửa ruộng bậc thang đã gieo rắc vào tâm hồn người lữ hành một niềm đam mê với vẻ đẹp vô cùng kỳ vĩ và quyến rũ.
Hà Giang nổi tiếng với một miền đất hứa chứa đựng bao nhiêu tâm hồn của kẻ lãng tử muốn một lần được đặt chân ngao du khắp chốn. Đến với Hà Giang là đến với những cung đường đèo vắt vẻo trên triền núi xanh ngắt, với những đỉnh núi cao vời vợi, những thung lũng nằm yên trong sương mờ đẹp như tranh vẽ. Nếu bạn ưa thích những chuyến đi và tò mò về những vùng đất mới mẻ thì du lịch Hà Giang là một lựa chọn không tồi.
Hà Giang cách Hà Nội khoảng 300km, vì vậy bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe khách để vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo an toàn.
Để du lịch Hà Giang, du khách có thể ra bến xe Mỹ Đình và bến xe Giáp Bát bắt xe. Với giá vé khoảng 200.000VNĐ/ người có các nhà xe như Quang Nghị, Hưng Thịnh, Khanh Hằng, Đăng Quang,... Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn các dòng xe limousine cao cấp với nội thất sang trọng, không gian thoáng mát, tiện nghi đầy đủ với giá vé khoảng 320.000VNĐ/ người.
Riêng đối với mảnh đất gây thương nhớ này, bạn sẽ không cần mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ nên đi vào mùa nào bởi Hà Giang lúc nào cũng đẹp, lúc nào cũng khiến tâm hồn người lữ hành rung động.
Tháng 3 lên Hà Giang, bạn sẽ được đắm chìm trong nắng xuân ấm áp cùng sắc đào nên thơ. Tháng 4, nơi đây vẫn còn dư âm của hương hoa đào những ngày Tết, tuy nhiên, lễ hội Chợ tình Khâu mới là nét đặc sắc níu kéo tâm hồn kẻ mộng mơ. Đây được coi là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm, là dịp để các chàng trai, cô gái gặp gỡ nhau rồi làm quen, tranh thủ trò chuyện, tâm tình.
Mùa nước đổ tháng 5, tháng 6 khi du lịch Hà Giang cũng vô cùng quyến rũ và tráng lệ. Đây là thời điểm để bạn có thể cùng với người dân bản địa xuống đồng gieo những hạt giống đầu tiên cho vụ mùa. Hay ghé lại nơi đây vào tháng 9 để cảm nhận bức tranh mùa thu với những bông lúa mới chín vàng, căng tràn sức sống.
Bạn cùng đừng quên thưởng thức hương sắc bình yên của những bông tam giác mạch trên triền đồi, con hẻm khi Hà Giang vào tháng 10, tháng 11. Bước sang tháng 12, điểm dừng chân này như được khoác lên mình một chiếc áo mới đậm màu hoa cải giản đơn nhưng có sức sống dẻo dai, mãnh liệt.
Cột cờ Lũng Cú với độ cao 1470m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Lũng Cú theo tiếng H’mông có nghĩa là Long Cư, là đất thiêng nơi rồng cư ngụ. Từ cột cờ này đến cực Bắc của Tổ Quốc còn khoảng 2km, chính bởi vậy mà nơi đây được coi là một trong số những cột cờ quốc gia.
Đến đây và khám phá, bạn sẽ ngạc nhiên với mô hình xây dựng cột cờ Lũng Cú gần giống với cột cờ Hà Nội. Phần chân cột được bao phủ bởi 8 mặt phù điêu đá xanh, tái hiện lại lịch sử dân tộc.
Phía trên những tấm phù điêu là 8 mặt của trống đồng - biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Xen lẫn vào đó là nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang cũng được thể hiện qua từng đường nét tinh tế.
Trên con đường trải nghiệm độ cao gần 1500m, bạn phải vượt qua 839 bậc thang đá và 140 bậc thang trên cầu xoắn ốc. Tuy con đường để tới được cột cờ có dài nhưng không hề vất vả và gây nhàm chán bởi cảnh sắc thiên nhiên ven đường sẽ khiến bạn chìm đắm vào thế giới nên thơ.
Xa xa là mây bao quanh, các dãy núi trùng trùng điệp điệp hiện lên hùng vĩ, những ao nước đẹp tựa mắt rồng, những bản làng bình dị, đơn sơ,... Tất cả tạo nên một vẻ đẹp vừa ấm cúng, vừa yên bình và thân thuộc.
Bạn cùng đừng quên check-in cùng với bậc thang khi lên cợt cờ Lũng Cú. Ảnh: www.ceble.vn
Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng núi đá có độ cao trên 1.000m, thuộc địa phận 4 huyện gồm Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và Mèo Vạc. Nơi đây lưu giữa những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao khi sở hữu hàng loạt di sản địa chất, địa tầng, chứa đựng dấu ấn về lịch sử phát triển vỏ của trái đất.
Đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ bị thu hút bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tinh khiết nhưng đầy bí ẩn. Vượt qua những cung đường đèo đầy nguy hiểm là một vực sâu thăm thẳm với lớp đá hình tai mèo. Sự choáng ngợp còn ẩn hiện trong lớp mây sương mờ mịt càng khiến vẻ đẹp trở nên kỳ vĩ.
Làm dịu lại cảm xúc là sự xuất hiện thấp thoáng cảnh sinh hoạt của người dân bản địa. Tô điểm giữa bức tranh phong cảnh là những ngôi nhà trình tường được làm bằng đất với sự bao bọc của hàng rào đá bên ngoài. Cùng với đó là hình ảnh người dân địa phương trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu trong phiên chợ đậm màu văn hóa dân tộc.
Bạn cũng đừng quên ghé thăm phố cổ Đồng Văn, bãi đá Xí Mần gần đó để cảm nhận rõ nét hơn nét đẹp nơi vùng cao.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH HÀ GIANG KHUYẾN MÃI
|
Cái tên Mã Pí Lèng chỉ sống mũi của con ngựa thường cao và dốc xuống dưới, chính bởi vậy mà đây được coi là cung đường đèo đầy rẫy nguy hiểm nhưng rất đáng để chinh phục.
Đèo dài khoảng 20km được ví như Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam, đi qua địa phận 3 xã thuộc huyện Mèo Vạc. Con đường được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Không những thế, khu vực Mã Pí Lèng được biết đến là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia bao gồm: đèo Mã Pí Lèng, khu vực đỉnh đèo và hẻm vực sông Nho Quế. Phía trên đỉnh cũng là nơi cao nhất của con đường mang tên Hạnh Phúc, có một trạm dừng chân để du khách nghỉ ngơi và ngắm cảnh, thu gọn cả Hà Giang trong tầm mắt.
Từ trên đỉnh Mã Pí Lèng nhìn xuống, dòng sông Nho Quế với một màu nước xanh ngọc bích, hiền hòa chảy, uốn quanh núi đồi. Dòng sông được ví như "nàng thơ giữa núi rừng" bắt nguồn từ núi Nghiễm Sơn như thổi hồn vào cảnh vật, khiến thiên nhiên xung quanh dịu dàng, trong trẻo và thanh bình hơn.
Bạn cũng đừng quên trải nghiệm chèo thuyền thú vị trên dòng sông yên ả này, thỏa sức tận hưởng khí trời, cảnh sắc và cuộc sống sinh hoạt của người dân hai bên bờ.
Sẽ thật đáng tiếc nếu đi du lịch Hà Giang mà bạn bỏ lỡ tuyệt sắc núi rừng trên cung đường huyền thoại của người Mèo này.
Dinh họ Vương nằm trong thung lũng Sà Phìn thuộc huyện Đồng Văn là điểm đến Hà Giang không thể bỏ qua. Dinh họ Vương hay còn được gọi là dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức - vị vua duy nhất được người Mông nơi đây suy tôn. Được xây dựng vào năm 1923-1926, dinh thự bề thế, nổi bật nét vương giả với kiến trúc độc đáo, tinh xảo dưới bàn tay của những nghệ nhân vùng Tây Bắc.
Đoạn đường dẫn vào dinh dốc thoai thoải, những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn được lát trải dài, phía bên trên là những mái nhà cong, uốn lượn.
Hai bên đường là những hàng cây sa mộc cao vút, xen lẫn là hàng thông xanh đầy trầm mặc. Từ xa, dinh thự có hình mai rùa, được bao quanh bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Từ bên ngoài nhìn vào là một tổng thể đầy uy nghi và vô cùng tuyệt mỹ.
Dinh thự rộng gần 3.000m2 với chi phí xây dựng thời đó là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 150 tỷ đồng hiện nay. Bước vào bên trong, bạn sẽ ngỡ ngàng với cấu trúc gồm 3 dãy Tiền, Trung, Hậu được làm hoàn toàn bằng gỗ quý, chia ra thành 64 phòng, xây 2 tầng tường bằng đá xanh.
Lần lượt tham quan, bạn sẽ tới khu Tiền dinh - nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và nô tỳ. Trung và Hậu dinh vừa là nơi làm việc cũng là nơi ở của thành viên trong gia tộc họ Vương.
Thêm vào đó, tới đây, bạn còn được ngược dòng quá khứ, tìm hiểu về những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc Mông trong chế độ phong kiến với những hiện vật còn sót lại như cối đá, bếp sưởi, bàn ghế gỗ tiếp khách, chậu tắm làm bằng đá…
Kiến trúc nhà Vương với đá xanh, gỗ sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm dương, là sự kết hợp giữa kiến trúc Trung Hoa, nghệ thuật Pháp và văn hóa truyền thống của người Mông.
Điểm đáng chú ý ở đây là những chân cột được chạm hình cuống thuốc phiện, trụ cầu thang là phảng phất bóng dáng cây hoa anh túc,... Tất cả đều toát lên vẻ giàu sang, phú quý, đồng thời mang đậm dấu ấn của hoạt động bán thuốc phiện thời kỳ đó.
Sủng Là nằm trên tuyến quốc lộ 4C nối liền những thị trấn ở Hà Giang lại với nhau. Từ trên cao nhìn xuống, Sủng Là hiện lên giữa núi rừng như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp, như "bông hoa giữa miền sơn cước" vẫn lung linh, rực rỡ trên mảnh đất khô cằn sỏi đá.
Hình ảnh đầu tiên khách du lịch sẽ bắt gặp là những ngôi nhà đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn vững chãi, hiên ngang như tính cách nồng hậu, giản dị của con người nơi đây.
Trên gác, thấp thoáng màu của ngô đồng lẫn trong đám đỗ tương được phơi khô. Xen lẫn trong sắc màu xưa cũ là màu xanh non của lúa, màu vàng mật ngọt của nắng, màu tím hoa cà và màu của hoa tam giác mạch căng tràn sức sống.
Những cô gái Sủng Là ngồi dệt bên khung cửi, những đứa trẻ thơ nói cười ríu rít trong chiếc khăn đủ màu sắc,.. Chính hình ảnh chân phương, mộc mạc này đã tô điểm thêm cho "ốc đảo" này thêm tình người ấm áp.
Tại ngã ba Sủng Là đi vào, bạn sẽ được hòa mình vào chợ phiên Phó Bảng. Không khí nhộn nhịp, tất bật như những khu chợ phiên khác, Phó Bảng được coi như một ngày hội nhỏ diễn ra các hoạt động mua bán, phần nào giúp xua tan đi vẻ tĩnh mịch nơi cao nguyên đá. Không những thế, nơi đây còn là nơi những cô gái, chàng trai hò hẹn.
Thấp thoáng bóng váy áo sặc sỡ của những cô gái Mông dắt ngựa xuống chợ, trong tiếng khèn dìu dặt của các chàng trai Mông mặc áo nhuộm chàm, quần thụng say sưa gọi bạn tình. Hay hẹn nhau ở quán rượu ngô cay nồng, làm bát thắng cố ngà ngà men say bên những câu chuyện ấm tình người miền sơn cước. Tất cả tạo nên nét đẹp văn hóa vùng cao.
Nhắc đến ẩm thực Hà Giang, nhất định phải một lần nếm thử hương vị của món ăn gây "chết người" này. Món ăn trứ danh này được nấu từ củ ấu tẩu - một loại nguyên liệu cũng là loại thuốc cực độc ở miền Bắc nhưng khi chế biến thành món ăn lại là một vị thuốc quý.
Món ăn này giúp chữa nhức mỏi, tê tay chân. Còn gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức món cháo bổ dưỡng nghi ngút hơi bên chén rượu ngô thấm đượm vị cay nồng trước khi khép lại một ngày.
Thắng Cố được biết đến là món ăn truyền thống của người H’Mông nơi đây. Món ăn này được người dân bản địa chế biến biến từ một con ngựa, không bỏ đi bất cứ thứ gì. Tất cả được ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ có bỏ thêm 12 thứ gia vị truyền thống.
Vào một buổi chiều se lạnh trên mảnh đất Hà Giang, còn gì trọn vẹn hơn khi nếm hương thơm thảo quả, củ sả và hạt dổi hòa quyện trong món thắng cố thơm ngon.
Mèn mén được làm từ những hạt ngô tẻ phơi khô trên những hiên nhà hay gác bếp. Cách gọi mèn mén bắt nguồn từ tiếng quan hỏa (Trung Quốc) có nghĩa là bột ngô hấp. Làm mèn mén không phức tạp nhưng phải trải qua nhiều công đoạn. Hạt ngô tẻ được tách khỏi lõi ngô, xay thành bột, sàng bớt vỏ. Khi có bột ngô vừa ý, người ta rắc thêm chút nước, đảo đều đến khi bột ngô tơi ra rồi đặt vào chõ gỗ đồ chín trong chảo nước.
Vị mèn mén chín thơm lan tỏa, bùi ngọt, đậm đà, ăn càng chậm rãi, nhai càng kỹ càng thấy thấm hương thấm vị. Không phải món cao lương mỹ vị nhưng mèn mén lại khiến thực khách "nhớ mãi không quên" ngay từ lần đầu thưởng thức.
Trong hành trình du lịch Hà Giang, chắc chắn mỗi địa danh đi qua, mỗi món ăn nếm thử sẽ khiến cho bạn càng yêu thêm mảnh đất này. Xách balo lên và khám phá ngay mảnh đất gây thương nhớ này thôi!
Xem thêm: Mộc miên đỏ thắm bên dòng Nho Quế, Hà Giang |
Thanh Huyền