Thái Bình nổi tiếng với nhiều điểm du lịch tâm linh cùng các lễ hội truyền thống. Một trong số đó không thể không kể đến di tích lịch sử đền Trần Thái Bình được du khách thập phương thường xuyên ghé thăm, chiêm bái. Nếu có kế hoạch khám phá quần thể di tích văn hóa tâm linh đặc sắc này, hãy lưu ngay bài viết này để bỏ túi những kinh nghiệm đắt giá nhé!
Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần có nhiều vị vua anh minh như Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng tuấn kiệt như Trần Nhật Duật, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Thủ Độ, Trần Khánh Dư,...
Và Thái Bình chính là vùng đất phát tích, dựng nghiệp của vương triều Trần với phong thủy vững mạnh hiện tại - hậu vận về sau. Cách đây hơn 700 năm, tại đây các vị vua nhà Trần đã khai nghiệp, gia tộc nhà Trần dựa vào Thái Bình để dấy nghiệp.
Với mục đích lưu giữ hài cốt của tổ tiên, các vua Trần cho xây Tam đường. Nơi đây lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa,... Theo nghiên cứu, gần một nửa trên tổng số các các vị vua và hoàng hậu băng hà được an táng tại Thái Bình và được xây lăng miếu phụng thờ như Dự lăng, Chiêu lăng, Thọ lăng hay Quy đức lăng.
Triều Trần sụp đổ, chế độ phong kiến qua đi, đất nước, xã hội ngày một phát triển nhưng dòng sông Thái Sư cùng lăng mộ 3 vị vua đầu tiên triều Trần vẫn nằm ở đó. Thông qua khảo cổ, quần thể lăng mộ cùng các các di vật của triều Trần được khai quật.
Mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, đền thờ và lăng mộ các vị vua triều Trần chính là minh chứng sống của một triều đại lớn, của những vị anh hùng kiệt xuất của lịch sử nước nhà. Cùng Du lịch Việt Nam tìm hiểu từng ngóc ngách của quần thể di tích quốc gia đặc biệt này!
Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình còn gọi là Thái Đường Lăng. Đền Trần Thái Bình tọa lạc tại thông Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.
Nhắc đến đền Trần, không phải chỉ Thái Bình mà tại Nam Định cũng có quần thể di tích đền Trần. Tuy nhiên, nơi được xem là điểm thờ chính dòng họ Trần chính là đền Trần Thái Bình. Bởi lẽ, nếu Nam Định là nơi vị họ tổ đời Trần định cư ban đầu thì chính tại Thái Bình, gia tộc họ Trần đã khởi nghiệp tại đây hơn 700 năm. Vì thế, Thái Bình được xem như là quê hương của nhà Trần.
Tổng thể đền Trần có quy mô diện tích lên đến 5172m2 được chia thành 2 tòa với 5 gian hậu cung và 7 gian tiền tế. Với lối kiến trúc truyền thống, ngôi đền được làm chủ yếu bằng gỗ. Vì thế, theo thời gian, với sự ảnh hưởng của thiên nhiên cũng như chiến tranh ác liệt, ngôi đền đã bị hư hại đáng kể. Cho đến cuối thế kỷ 20, đền Trần được trùng tu, phục dựng lại dựa theo đúng nền móng ban đầu với kiến trúc, vẻ đẹp như hiện tại.
Đền Trần Thái Bình là quần thể di tích lịch sử có 3 ngôi đền chính, bao gồm:
- Đền Vua: thờ Thái Tổ Trần Thừa và các vị vua Trần;
- Đền Mẫu: thờ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, các Công chúa và Hoàng hậu đời Trần;
- Đền Thánh: thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Bên cạnh đó, quần thể còn gồm các kiến trúc khác như hữu vu, tả vu, tòa hậu cung, đài hòa vàng, tòa bái đường cùng các kiến trúc liên quan.
Thừa hưởng kiến trúc truyền thống của đình làng, kết cấu đền được bố trí theo trục chính. Các nơi thờ tự sẽ chia thành 3 không gian: không gian vườn tược, không gian nội tự đền, không gian hành lễ. Chỉ riêng có tòa Hậu cung lại có bố cục theo hình chữ Đinh với 2 tòa - 8 gian. Đặc biệt nhất phải kể đến hệ thống rồng đá cùng các chi tiết đá được đan cài trong kiến trúc tổng thể đã tạo nên sự uy linh, nghiêm trang của đền.
>> Xem thêm: Mắt chữ A mồm chữ O trước 'lâu đời cổ tích' - nhà thờ Bác Trạch Thái Bình
Đền Trần Thái Bình là công trình kiến trúc lịch sử mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Đây là nơi thờ cúng các vị vua, công chúa, các vị tướng tài giỏi của triều Trần. Hơn nữa, nó còn là nơi dâng lễ, dâng hương, tham quan, vãn cảnh của người dân Thái Bình cũng như du khách thập phương để thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ, kính trọng đến những người có công với đất nước.
Hàng năm, cứ vào ngày 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch, người dân Hưng Hà nói riêng, Thái Bình nói chung nô nức về đền Trần tổ chức lễ hội linh đình. Nhất là đến năm 2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đến nay, các phong tục trong lễ hội như rước nước, rước kiệu, lễ tế mộ, lễ tế mở cửa đền,... đều được lưu giữ và phát triển. Điều này không chỉ thể hiện sự tưởng nhớ, uống nước nhớ nguồn thế hệ đi trước. Đồng thời, chính những phong tục ấy cũng tạo nên một nên đặc trưng rất độc lạ, rất riêng của đền Trần.
Đền Trần Thái Bình không chỉ là một điểm du lịch tâm linh thiêng liêng mà nó còn là điểm đến được nhiều bạn trẻ yêu thích. Để có được một chuyến đi khám phá đền Trần Thái Bình 1 ngày trọn vẹn, hãy nằm lòng những tip sau đây Du lịch Việt Nam chia sẻ:
Thái Bình nằm ở cửa ngõ với nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định,... Vì thế, việc di chuyển đến đền Trần cũng rất thuận tiện với nhiều phương tiện phù hợp từ xe khách cho đến phương tiện cá nhân.
Từ trung tâm thành phố Hà Nội đến đền Trần Hưng Hà Thái Bình khoảng 77km. Lộ trình di chuyển bắt đầu từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, bạn di chuyển đến địa phận Hà Nam khoảng 30km rồi đến cầu Yên. Tiếp tục chạy thẳng đến cầu Triều Dương rồi qua Hưng Nhân Thái Bình. Đến thị trấn Hưng Hà, bạn rẽ trái rồi chạy 20km là đã có mặt tại đền Trần.
Nếu lựa chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn cần kiểm tra xe kỹ lưỡng, đổ xăng đầy bình. Hoặc bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe khách với mức giá chỉ dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/lượt tùy vào địa điểm xuất phát. Đến thành phố Thái Bình, bạn có thể bắt xe ôm hoặc taxi để di chuyển đến đền Trần.
Thái Bình là một tỉnh thành của Bắc Bộ nên mang đậm đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa của nơi đây. Với nền nhiệt chỉ từ 23 - 25 độ C, Thái Bình luôn thoáng đãng, mát mẻ thích hợp để ghé thăm và vãn cảnh đền Trần Thái Bình.
Tuy nhiên, thời điểm đẹp nhất trong năm để chiêm bái, dâng hương tại đền Trần chính là ngày 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là khoảng thời gian diễn ra lễ hội đền Trần với nhiều hoạt động thú vị. Quan trong nhất là lễ rước nước với ý nghĩa tưởng nhớ công lao của tổ tiên nhà Trần với nghề chài lưới, cầu cho mưa thuận gió hòa cho quá trình đánh bắt, nuôi trồng thuận lợi.
Ngoài ra, tại lễ hội, bạn còn được chiêm ngưỡng như lễ bái yết, rước kiệu, tế mộ, lễ tế mở cửa đền,... Hay tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn như thi nấu cơm, đấu vật, chọi gà,...
>> Tham khảo ngay: Chùa Keo Thái Bình - Hành trình về miền linh thiêng tại ngôi chùa cổ kiến trúc có 1-0-2
Du khách có thể ghé thăm đền Trần để tham quan, vãn cảnh, chiêm bái tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến chủ nhật trong khung giờ từ 6h30p - 17h00p. Lịch mở cửa của đền Trần Thái Bình không kể những ngày khai ấn đầu xuân hay những ngày lễ hội.
Nhất là, tham quan đền Trần, du khách sẽ không mất bất kỳ chi phí nào. Tương tự các điểm đến tâm linh đền chùa khác, đền Trần không thu vé vào cổng. Vì thế, du khách chỉ cần một lòng hướng thiện đến vãn cảnh, dâng hương để cầu tài, cầu lộc.
Bên cạnh việc vãn cảnh, chiêm bái tại đền Trần, đến với Thái Bình, du khách nhất định phải thưởng thức thiên đường ẩm thực của nơi đây. Những món ăn ngon đậm đà hương vị “quê hương 5 tấn” có thể kể đến như bánh cuốn tôm, gỏi nhệch, bún bung, canh cá Quỳnh Côi, nem chạo vị Thủy,... Chắc chắn với những món đặc sản sẽ khiến du khách nhớ mãi hương vị của Thái Bình.
Để có nhiều những trải nghiệm, kỷ niệm đáng nhớ khi tham quan, dâng hương tại đền Trần Thái Bình, dưới đây là một vài lưu ý dành cho du khách:
- Tự bảo quản đồ dùng cá nhân có giá trị như tiền, điện thoại, ví, trang sức,... khi vãn cảnh, chiêm bái tại đền;
- Ưu tiên những trang phục kín đáo, trang nghiêm khi ghé thăm đền Trần vì đây là điểm du lịch tâm linh;
- Hỏi kỹ người quản lý đền để có thể dâng hương, hành lễ đúng với từng lư hương;
- Lựa chọn giày dép thoải mái để tham quan đền Trần;
- Đi nhẽ, nói khẽ, cười duyên trong đền để tránh gây ảnh hưởng đến người khác và ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của đền.
>> Có thể bạn quan tâm: Hơn 100 tour du lịch trong nước và quốc tế cực HẤP DẪN
Hy vọng với những chia sẻ trên đây về đền Trần Thái Bình sẽ giúp bạn có được hành trình khám phá di tích lịch sử quốc gia trọn vẹn, nhiều ý nghĩa. Nếu có cơ hội ghé thăm đền Trần, đừng quên dâng hương, chiêm bái để cầu may, mọi sự thuận thông cho chính mình và người thân.
Linh Meo
Theo Báo Thể Thao Việt Nam