Banner Movi

Đến Nam Phi đón gió bác sĩ trên núi Bàn

Thứ hai, 14/01/2013, 16:02 GMT+7

Tôi đặt chân đến Nam Phi vào những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 với tâm lý sẽ chịu cái nắng như thiêu như đốt của lục địa đen. Ấy vậy mà bầu trời Cape Town lại âm u, mưa rào…

quảng cáo

> Thú vị lặn dưới lòng biển đỏ ở Ai Cập
> Hành trình khám phá thế giới Arab bí ẩn

 

…kéo theo không khí se se lạnh len qua lớp áo khoác mỏng của những lữ khách. Nằm ở phía Nam bán cầu dưới đường xích đạo, thời tiết Nam Phi tháng này đang vào đông.

Cô Tanja – người dẫn đường đón chúng tôi với nụ cười hồn hậu và thứ tiếng Anh đậm kiểu Scotland. Ở Nam Phi có rất nhiều dân tộc, họ nói tiếng Anh theo nhiều kiểu tuỳ theo nguồn gốc của gia đình. Cape Town được mệnh danh là thành phố có bốn mùa trong ngày. Sau ánh ban mai ấm áp, quá trưa, Cape Town chuyển mình trở nên oi bức. Trên con đường cao tốc từ sân bay về thành phố, xa xa đã có thể nhìn thấy ngọn núi Bàn nổi tiếng.

Đến Nam Phi đón gió tốt lành trên núi Bàn


Tanja gọi điện thoại về ban quản lý công viên quốc gia núi Bàn rồi reo lên sau khi cúp máy: “Chúng ta thật may mắn, hôm nay cáp treo có hoạt động chứ hôm qua gió quá to nên họ phải huỷ nhiều chuyến lên núi!” Chiếc cáp treo ở núi Bàn hình tròn có đường kính khoảng 7m, khi rời khỏi nhà ga nó sẽ bắt đầu quay tròn 360 độ để đảm bảo ai cũng có thể nhìn tứ bề từ trên cao. Du khách chỉ có ba phút để hưởng thụ cảm giác lắc lư, hồi hộp và cũng choáng ngợp vì cảnh đẹp khi cáp treo lên đến độ cao hơn 1.000m.

 

Núi Bàn có phải là ngọn núi già nhất trên thế giới? Không ai chắc chắn được nhưng người ta tin rằng núi Bàn già hơn dãy Himalaya đến sáu lần. Được hình thành từ đáy đại dương khoảng 600 triệu năm trước, những dòng sông băng đã cào bằng đỉnh núi và sau này quá trình kiến tạo vỏ trái đất đã nâng núi Bàn lên. Người Khoisan – một bộ tộc lâu đời ở Nam Phi – gọi nó là Hoerikwaggo, có nghĩa “ngọn núi của biển”, sau này người châu Âu đầu tiên chinh phục đỉnh núi đã gọi đó là “Table of the Cape – chiếc bàn của vịnh Cape”.

 

Núi Bàn thật “phẳng phiu” với những con đường nay đã được xây dựng dọc theo chiều dài 3km bề mặt. Từ trên cao có thể nhìn xuống vịnh núi Bàn, thành phố Cape Town và sân vận động từng tổ chức World Cup 2010 Green Point như một tổ chim bé xíu. Tôi ghé gần như tất cả những bancông dựng sát mép núi, đắm chìm trong cảm xúc lâng lâng khó tả khi hướng về đại dương phía Nam. Nơi ấy là mũi Hảo Vọng – mũi thần tiên trên trái đất, nơi “một bước chân qua hai đại dương”.

 

Ở Cape Town luôn có gió mạnh thổi quanh năm tạo nên một loại gió rất đặc biệt mang tên Capedoctor. Tanja giải thích, những cơn gió từ Ấn Độ Dương thổi qua dãy núi Bàn bị chặn lại, chỉ có một khe hở giữa hai ngọn núi có gió luồn qua, điều này giúp thành phố Cape Town luôn nhận được những ngọn gió trong lành từ ngoài khơi xa, rất tốt cho sức khoẻ.

 

Sau khi để mọi người tự do chụp ảnh, Tanja kéo tôi về phía Tây nơi những ngọn gió lùa vào mái tóc của cô bay phấp phới trong ráng chiều. Tanja bảo tôi hãy hít thật sâu thứ không khí trong lành nhất, rồi hãy ngắm những bông hoa fynbos xinh đẹp– loài hoa đặc trưng của vùng Cape Town – đang đua sắc. “Bạn đã thấy khoẻ lên chưa? Ý tôi là bên trong tâm hồn ấy!” Tanja hỏi rồi tiếp “Tôi yêu công việc này một phần vì tuần nào cũng được đi đón gió Capedoctor, nhìn thấy những hình ảnh thật tươi đẹp và thanh bình của Cape Town từ trên cao”. Trong mắt cô ánh lên niềm hạnh phúc khi phóng tầm mắt về phía thành phố Cape Town bên dưới.

 

Đúng 6 giờ, tiếng còi hú vang bề mặt núi Bàn. Nghe tiếng động này, tất cả các du khách bắt buộc phải trở lại nhà ga. Thời gian đóng cửa cáp treo không thống nhất, tuỳ thuộc vào mùa, vào sức gió. Tôi rảo bước vào trong lồng cáp, ngoài khơi vịnh núi Bàn, đảo Robben ánh lên màu vàng vọt của hoàng hôn. Đó là nơi giam giữ vị lãnh tụ vĩ đại của Nam Phi, cựu Tổng thống Nelson Mandela trong nhiều năm. Núi Bàn và đảo Robben là hai di sản thế giới duy nhất có thể nhìn thấy nhau.

 

Cáp treo dần hạ độ cao đẩy đảo Robben chìm dần sau đỉnh đồi Thông Tin. Có chút gì nuối tiếc khi tôi chưa có cơ hội khám phá hòn đảo nuôi dưỡng một tinh thần cách mạng, một nhân cách lớn của vị tổng thống da đen đầu tiên thời hậu Apartheid. Nhưng biết đâu, đó là một lý do để tôi trở lại Cape Town và tôi nhất định sẽ lên núi bàn đón gió Capedoctor!
 

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)