Banner Movi

Đắk Lắk - Dịu dàng những thác nước mùa mưa

Thứ ba, 23/07/2019, 10:02 GMT+7
 Đến với Đắk Lắk, mùa nắng, chúng ta có thể chạy trên những con đường thênh thang, nếm trải từng cơn gió mạnh mẽ, nhìn nắng vàng như từ cổ tích bước ra… thì mùa mưa, ta cũng chạy trên những cung đường đó, ngắm rừng cây nảy lộc, thay lá, xanh đến ngẩn ngơ, đất trời tươi mới đầy mê đắm.

Khác với nhiều nơi có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, vùng đất Tây Nguyên chỉ hai mùa: mưa và nắng. Mùa nắng kéo dài 6 tháng liền, chỉ để gom từng giọt nước mát lành rồi trả về cho đất suốt 6 tháng mùa mưa, thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 11. Mưa Đắk Lắk không dầm dề, dai dẳng như mưa Huế, không đỏng đảnh, bất chợt như mưa Sài Gòn mà đó là sự trộn lẫn của muôn vàn sắc thái, khi giận hờn thoáng chốc, lúc day dứt triền miên.
 
Vào mùa mưa, các con sông dòng suối ở Tây Nguyên hầu hết đều đỏ ngầu phù sa và cuồn cuộn chảy. Các dòng thác lớn như Dray Nur, Thủy Tiên nhờ có nguồn nước dồi dào từ những con mưa như trút nước trên thượng nguồn nên hùng vĩ và hoang dại hơn bao giờ hết. Còn những dòng thác nhỏ, dù có mưa đến thế nào những dòng chảy cũng dịu dàng, nên thơ, điểm tô cho mảnh đất địa phương chút yêu thương, thân thiện.
 
Đắk Lắk - Dịu dàng những thác nước mùa mưa
 
Từ thành phố Buôn Ma Thuột, chỉ cách chưa đầy 40km, ta có thể đến với 2 con thác nhỏ hiền lành như thế

Điểm đến đầu tiên là thác Drai Yông (xã Ea Mnang, huyện Cư M’Gar). Hoa xuyến chi nở dọc hai bên đường và bướm cải bay từng đàn vô cùng đẹp mắt, đôi lúc bướm cải còn va vào mũ bảo hiểm rồi rớt lộp bộp xuống đường. Đặc biệt, có một đoạn đường rợp mát bóng cây muồng đen xanh mướt từ gốc đến ngọn. Du khách ngỡ ngàng như đang đi trong lòng hang động màu xanh vậy. Xanh bên phải, xanh bên trái, xanh ở trên đầu, xanh trước, xanh sau... Xe chạy xa rồi lòng vẫn cứ bồi hồi vì con đường thơ mộng quá. 
 
Đắk Lắk - Dịu dàng những thác nước mùa mưa
Đoạn đường rợp bóng cây xanh
 
Để vào được thác Drai Yông (có nghĩa Thác Đòn Dông), khách phải liên tục hỏi đường và mặc dù tên thác gắn liền với nhiều huyền thoại, sự kiện lịch sử, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân tộc Êđê, lúc hỏi đường nên dùng cái tên thân thiện: thác Một, như vậy người dân địa phương dễ biết hơn. Thác nằm ở đoạn thẳng, dài trên dòng suối Eatul chảy từ Đông sang Tây sau đó đổ vào dòng sông Sêrêpốk huyền thoại. Nơi thượng nguồn thác có chiều rộng khoảng 80m, đổ xuống độ cao 12m, dưới chân thác là một hồ nước rộng khoảng 2.000 m2, có nhiều cồn đá, cây và hang động lõm sâu vào trong vách đá, tạo nên khung cảnh hoang sơ và thơ mộng. Năm 2017, thác Drai Yông đã được công nhận Di tích Quốc gia.
 
Đắk Lắk - Dịu dàng những thác nước mùa mưa
Dưới chân thác Drai Yông

Đắk Lắk - Dịu dàng những thác nước mùa mưa
Thác Drai Yông chụp từ cồn đá

Từ thác Drai Yông đi tiếp khoản 10km sang xã Ea M’dróh, huyện Cư M’Gar là thác Drai Dlông. Đây là nơi gặp nhau của hai con suối Ea M’dróh (con suối lớn) và Ea M’drách (suối nhỏ). Những con suối chạy qua bờ đá gập ghềnh tạo nên bọt trắng, mềm khiến nước trên đầu nguồn trông như suối tóc. 
 
Đắk Lắk - Dịu dàng những thác nước mùa mưa
Dòng chảy trên nguồn thác Drai Dlông - như một suối tóc mong manh
 
Từ trên độ cao 30m, hai dòng suối đổ vào nhau, bị đá chắn lại chia thành 3 dòng trải dài như 3 dải lụa dội mạnh xuống chân thác. Những hạt nước dội tung, bắn lên tạo thành những làn khói trắng lung linh huyền ảo. Thác được công nhận danh thắng Di tích Quốc gia từ năm 2004 nhưng từ đó đến nay thác vẫn chưa được đầu tư gì. Lối xuống thác hẹp và dốc, trơn trượt, thác vẫn hoang sơ, trong trẻo và thơ mộng.
 
Đắk Lắk - Dịu dàng những thác nước mùa mưa
Thác Drai Dlông - 3 dải lụa mềm đổ xuống chân thác
 
Bạn hãy một lần đến Đắk Lắk, mùa mưa, theo lời mời gọi của thiên nhiên, đi tìm những con thác mơ màng ôm phù sa đỏ quạnh, bỏ sau lưng cuộc sống bộn bề, để lòng mình ăm ắp yêu thương.
 
Lưu ý: Những thác này chưa được khai thác nên không có bất cứ dịch vụ gì xung quanh. Từ thác ra trung tâm huyện Cư M’Gar cũng khoảng 20km nên trước khi đi bạn nên chuẩn bị đồ ăn, nước uống. Tại thác có nhiều cây lớn cho bóng mát để các bạn có thể làm “bãi đáp”, nhâm nhi một bữa nhẹ nhàng trong tiếng nhạc của thiên nhiên.
 
Bài viết và hình ảnh: Thùy Nhiên
Biên tập: Cẩm Luyến
Theo Báo Thể thao Việt Nam