Banner Movi

Đặc sản quế Văn Yên nức tiếng Tây Bắc

Thứ tư, 10/03/2021, 08:30 GMT+7

Sở hữu những ưu đãi mẹ thiên nhiên ban tặng, từ địa hình đồi núi cho đến khí hậu mát mẻ, vùng đất Văn Yên rất phù hợp cho cây quế sinh trưởng phát triển.

quảng cáo

Sở hữu những ưu đãi mẹ thiên nhiên ban tặng, từ địa hình đồi núi cho đến khí hậu mát mẻ quanh năm, vùng đất Văn Yên (thuộc tỉnh Yên Bái) rất phù hợp phát triển cây quế, không chỉ đem lại nguồn kinh tế ổn định, mà từ lâu cây quế đã gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá người đồng bào các dân tộc nơi đây.
 

Quế gắn liền với đồng bào dân tộc Văn Yên

Huyện Văn Yên nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái có diện tích tự nhiên hơn 139.000 ha (đất lâm nghiệp chiếm 75%), với những điều kiện tự nhiên thuận lợi rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây quế. 

 

vung-dat-que-van-yen-1Người dân khai thác đồi quế. Ảnh: Fanpage Quế Văn Yên

Từ xa xưa, quế vốn là một trong 4 vị thuốc quý còn có tên gọi khác là “Tứ bảo đông y”, bao gồm sâm, nhung, quế, phụ. Đến nay, quế được sử dụng ngày càng nhiều hơn, không chỉ là vị thuốc quý mà quế còn là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị trong những bữa cơm gia đình. 

Nó vừa giúp xóa đói giảm nghèo, vừa là cây kinh tế làm giàu của bà con. Quế thay con người cảm ơn mẹ thiên nhiên bằng cách phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
 

vung-dat-que-van-yen-2Cô gái người đồng bào dân tộc bản địa thu hoạch quế vỏ. Ảnh: Page Quế Văn Yên

Người dân địa phương thường truyền tụng, cứ là quế thì bộ phận nào cũng quý. Tinh dầu quế ngày nay còn được xuất khẩu đến rất nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Ai Cập, Mỹ, Anh, Hà Lan, Đông Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh… 

 

vung-dat-que-van-yen-3Một số sản phẩm từ quế được trưng bày tại Hội Quế Văn Yên. Ảnh: Page Quế Văn Yên

Gỗ quế còn được dùng để làm nhà, với phong tục nhà sàn của người dân Dao, dân tộc Tày gỗ quế thường được xẻ làm ván bóc, ván thanh, ván sàn nhà. Với hương thơm đặc trưng, man mác dễ chịu giúp giải tỏa căng thẳng mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, thì người dân cũng rất thích sử dụng quế để chế tạo đồ gia dụng.

 

vung-dat-que-van-yen-4Sau khi thu hoạch từ đồi quế được đem ra phơi nắng tự nhiên. Ảnh: Page Quế Văn Yên

Ngoài ra, các bà, các mẹ còn sử dụng bột quế trong chế biến các món ăn cho gia đình như nấu phở, chả quế, chạo quế, bò nướng quế hồi, sườn nướng quế hồi, bánh quy hương quế...

 

Quế trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện

Cứ mỗi độ xuân sang, công việc trồng quế như một thói quen không thể thiếu của đồng bào các dân tộc ở vùng đất Văn Yên, đặc biệt là người dân tộc Dao Yên Bái.

Đến nay, cây quế đã có mặt ở khắp 27 xã thị trấn với diện tích hơn 40.000 ha và đã trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước. Hằng năm, trên địa bàn huyện ngoài việc duy trì diện tích, sản lượng quế, khai thác đúng định mức, huyện cũng thực hiện trồng mới từ 1.500 đến 1.600 ha quế.

 

vung-dat-que-van-yen-5Vườn ươm quế được chăm chút để bảo đảm chất lượng giống. Ảnh: Page Quế Văn Yên

Nhờ có cây quế mà đời sống người dân được nâng cao rõ rệt, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Rất nhiều nhà dân cũng làm giàu từ chính cây quế, có thu nhập hàng trăm triệu hàng tỷ đồng.

Chính quyền địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở thu mua và chế biến tinh dầu quế hoạt động. 

 

vung-dat-que-van-yen-6Vỏ quế sau khi thu hoạch sẽ cuộn tròn lại tự nhiên. Ảnh: Page Quế Văn Yên

Từ phong trào trồng quế ở Văn Yên mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều địa bàn khác ở tỉnh Yên Bái cũng học hỏi và mở rộng diện tích. Qua đó, góp phần gia tăng diện tích quế của tỉnh gần 80 nghìn ha, độ che phủ rừng toàn tỉnh lên hơn 64% và đưa cây quế trở thành cây kinh tế chủ lực.

 

vung-dat-que-van-yen-7Nhiều sản phẩm thông dụng được chế biến từ quế. Ảnh: Page Quế Văn Yên

Theo UBND huyện Văn Yên, mỗi năm địa bàn huyện thu hoạch được khoảng 10.000 tấn vỏ tươi và xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ khô các loại. Cũng theo đó, sản lượng cành lá quế khoảng 65.000 tấn/năm, sản lượng gỗ quế 65.000 m3/năm, sản lượng tinh dầu khoảng 300 tấn/năm.

Tính chung ở huyện có gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - chế biến, chiết xuất tinh dầu, đồ thủ công mỹ nghệ… Diện tích trồng quế tập trung nhiều ở các xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Xuân Tằm.

 

vung-dat-que-van-yen-8Cô gái trẻ hăng say lao động. Ảnh: Page Quế Văn Yên

Với những cố gắng của bà con cũng như chính quyền địa phương, năm 2010 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên.

 

vung-dat-que-van-yen-9Rừng quế của bà con miền núi Văn Yên. Ảnh: Page Quế Văn Yên

Với giá trị kinh tế cao, cây quế không chỉ giúp người dân ổn định kinh tế, nó còn vun đắp tinh thần hăng say lao động cho bà con địa phương. Dưới tán rừng quế là nụ cười tươi tắn của những cô gái, chàng trai trao nhau những lời hát, câu ca cùng cố gắng làm kinh tế giỏi với mong muốn về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cố nhạc sĩ Trọng Loan từ lấy hình ảnh quế Văn Yên cho vào lời bài ca tiếng hát, có đoạn “Đêm Viễn Sơn trăng sáng đẹp sao, đón khách lên chơi với người Dao, lên đây thăm quê hương Yên Bái, thăm vùng núi thăm rừng quế hương ngạt ngào…” 

>> Xem thêm: Yên Bái - Những trải nghiệm khó quên

 

vung-dat-que-van-yen-10Người đồng bào dân tộc ở Văn Yên vừa hăng say lao động, vừa mến khách. Ảnh: Page Quế Văn Yên

Đến du lịch Yên Bái, đặc biệt là vùng đất Quế Văn Yên du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức hương thơm ngọt ngào, chút cay cay của hương vị quế. Được tìm hiểu về cuộc sống, nét văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây, người dân mến khách như người tình chờ đợi lâu năm. 

Đến ngay miền đất Văn Yên, tỉnh Yên Bái để có những trải nghiệm mới với đặc sản quế nơi đây và con người đượm tình thương mến thương nhé!

Trần Hoàn

(Theo Báo Thể thao Việt Nam)

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)