Một trong những món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, Tây Bắc có thể kể tới món canh Bon (cành Pon), một món ăn nghe tên đã thấy lạ nhưng ăn vào còn lạ hơn.
Du khách đến Tây bắc không chỉ mê mẩn lưu luyến cảnh sắc đất núi non hùng vĩ, mà ẩm thực nơi đây cũng chính là một thứ “gia vị” để ai đã một lần tới đây có lẽ sẽ nhớ mãi chẳng khi nào quên núi rừng Tây Bắc.
Canh Bon Tây Bắc
Hình ảnh cơm nếp dẻo, cá nướng thơm đã là một hình ảnh đặc trưng trong ẩm thực Tây Bắc. Thế nhưng, phải một lần thưởng thức món canh Bon được các mẹ, các chị chế biến từ những nguyên liệu, những gia vị có trong tự nhiên, được kết hợp với nhau hài hòa từ hương, tới sắc, thì mới cảm nhận hết được hương vị Tây Bắc gói gọn trong món ăn này!
Canh bon – món ngon gói gọn hương vị Tây Bắc
Canh Bon là một món ăn truyền thống được chế biến từ rất nhiều nguyên liệu, và món ăn nay được sử dụng hày ngày và cũng là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ tết. Nếu bạn là một vị khách thì tất nhiên không cần đợi tới những dịp lễ, mà gia chủ sẽ nấu luôn món canh Bon để tiếp đón khi có dịp ghé thăm.
Để có được một bát canh Bon đúng vị Tây Bắc cần tới rất nhiều nguyên liệu, và nguyên liệu chính cần có trong món ăn này đó chính là loại bon ngọt. Bon ngọt được nhận diện và phân biệt với các loại bon khác qua chấm tím trên lá. Chấm tím ở giữa lá càng to, chứng tỏ đó là một cây bon đạt chuẩn để dùng nấu món canh bon.
Các mẹ, các chị sẽ lựa chọn những cành bon non nhất, xanh nhất để nấu canh, nhưng ngon nhất phải lựa được cành bon bánh tẻ. Sau khi lựa chọn được cành bon đạt chuẩn, sẽ được đem tước bỏ sơ, công đoạn này rất quan trọng, tước sơ xong phải đem rửa sạch đẻ bớt nhựa và cũng để làm sạch nguyên liệu. Bon được rửa sạch cho vào nồi, cùng một lượng nước vừa phải được đem nấu.
Trong thời gian đợi nồi bon sôi, sẽ tới công đoạn chuẩn bị các nguyên liệu khác. Trước hết phải kể tới da trâu, một loại nguyên liệu quan trọng thứ hai, da trâu dùng trong món canh bon phải là da trâu tươi đem đốt trong ngon lửa hồng cho tới khi thơm, rồi đem ra đập và xé nhỏ.
Da trâu tươi sau khi đốt lửa hồng
Công đoạn đốt da trâu cũng rất kỳ công, nếu đốt quá tay là da bị cháy, mà chẳng may chưa đủ độ thì da sẽ không thơm, không mềm.
Bạn phải tự mình trải nghiệm và nếm thử miếng da trâu tươi vừa đốt còn nóng hỏi, cấm với muối ớt cay nồng thì mới cảm nhận hết được vị thơm vị giòn của miếng bì. Da được xé xong sẽ được cho vào ngay nồi bon nấu cho nhừ. Với dân tộc Thái tại đây, da trâu còn được sử dụng để chế biến nhiều món ăn khác nhau, và da trâu cũng là một loại thực phẩm đặc biệt.
Hạt mắc khén
Để kết hợp được một món canh Bon ngon không thể thiếu đi những thứ gia vị bao gồm có: gừng, tỏi, ớt, mắc khén (hạt tiêu rừng), lá lốt, thìa là, mùi tàu, lá chanh. Những gia vị này sẽ được băm nhuyễn, đợi khi gần ăn mới cho vào để giữ được hương vị của nó.
Một thứ nguyên liệu đặc biệt nữa trong món canh bon phải có cà đắng. Thứ quả này rất đặc biệt, gọi là cà đắng bởi lẽ quả cà này chỉ bé bằng đầu đũa, ăn vào có vị hơi đăng đắng, khi cho cà vào món canh bon tạo nên độ thanh ngọt cho món ăn này.
Các nguyên liệu nấu món canh Bon
Những nguyên liệu được chuẩn bị xong, thì cũng là lúc nồi bon cùng da trâu đã nhừ. Ngay lúc này nồi canh sẽ được nêm nếm gia vị, rồi lần lượt cho cà đắng cùng bát gia vị đã được băm nhuyễn vào tronh. Ôi chao chỉ nhìn thôi là đã thấy đủ hấp dẫn rồi.
Những món ăn ở núi rừng Tây Bắc được nấu nướng hết sức cầu kỳ. Sự cầu kỳ không chỉ đến từ tên gọi, cách tạo ra món ăn, mà nó còn đến từ việc lựa chọn nguyên liệu gia vị, sự kết hợp hài hòa giữa các loại gia vị với nhau, tạo nên những món ăn mang hương vị riêng của nơi đây.
Hãy tới nơi đây dù chỉ một lần để được ngồi bên mâm cơm dân tộc với món canh Bon hấp dẫn. Còn gì bằng khi nhấp xong ly rượu nếp cay nồng, nhắm kèm là bát canh Bon do bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị dày công kỹ lưỡng chuẩn bị. Món ăn dân dã nhưng chứa đựng tấm lòng hồn hậu mến khách của đồng bào sẽ là lời mời du khách gần xa.