Banner Movi

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật Bản

Thứ năm, 16/07/2020, 11:00 GMT+7

“Cẩm tú cầu trong nước” đẹp chẳng kém “cẩm tú cầu trong mưa” – hình ảnh đã gắn liền với mùa hè Nhật Bản. Địa điểm để cô nàng S.P chiêm ngưỡng được hình ảnh tuyệt diệu ấy chính là ngôi chùa Amabiki Kannon ở thành phố Sakuragawa, tỉnh Ibaraki.

quảng cáo

Mùa hè ở Nhật Bản là mùa cẩm tú cầu nở tưng bừng, đi đâu cũng thấy. Thường thì “Cẩm tú cầu trong mưa” là hình ảnh quen thuộc và đặc trưng nhất của mùa hè Nhật Bản. Dạo gần đây, xem hình trên mạng, mình mới biết đến “Cẩm tú cầu trong nước”. Thế là cũng bon chen đi ngắm tận mắt xem thực tế thế nào. Và quả thực “Cẩm tú cầu trong nước” cũng đẹp và rực rỡ không thua kém gì “Cẩm tú cầu trong mưa”.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnCẩm tú cầu trong nước là hình ảnh đặc trưng của mùa hè nơi ngôi chùa Amabiki Kannon.

Địa điểm chính là ngôi chùa Amabiki Kannon (雨引観音 - Vũ Dẫn Quan Âm) ở thành phố Sakuragawa, tỉnh Ibaraki.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnChùa Amabiki Kanon tên đầy đủ là Amabikisan – Rakuhoji, hiểu nôm na là Chùa Dược Pháp trên Núi Cầu Mưa.

Chùa Amabiki Kanon tên đầy đủ là Amabikisan - Rakuhoji (雨引山・薬法寺 - Vũ Dẫn Sơn - Dược Pháp Tự), hiểu nôm na là Chùa Dược Pháp trên Núi Cầu Mưa.

Amabikisan là ngọn núi ở tỉnh Ibaraki cao hơn 400m. Mùa hè năm 821, Thiên Hoàng Saga đã lên núi này lập đàn cầu mưa và sau đó là mưa rơi xuống khắp cả nước. Thế là từ đó ngọn núi này có tên là Amabikisan, nghĩa là Núi Cầu Mưa.

Rakuhoji là ngôi chùa theo phái Chân Ngôn Tông (Shingonshu) do Đại sư Không Hải sáng lập, thờ Quan Thế Âm Bồ Tát Diên Mệnh. Chùa lại nằm ở lưng chừng núi Amabikisan nên mới có tên gọi tắt là chùa Amabiki Kannon, nghĩa là Quan Âm Cầu Mưa. Gọi tắt vậy thôi chứ Quan Âm Bồ Tát Diên Mệnh không phải Thần Mưa, mà là Bồ Tát phù hộ cho tuổi thọ dài lâu và bệnh tật tiêu trừ vì Diên Mệnh là kéo dài sinh mệnh.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnBạn cần đi qua 145 bậc thang đá để lên chùa.

Theo lịch sử truyền lại thì chùa Amabiki Kannon được một người tên là Horin Doku Shugoji, vốn là người của nước Lương (Trung Quốc) xây dựng vào năm 587, tức là năm thứ 2 Thiên hoàng Yomei trị vì. Bên trong chính điện là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát Diên Mệnh 8 tay, được chạm đúc vào khoảng giữa thời Heian.

Chùa Amabiki Kannon vốn là nơi để cầu xin tuổi thọ dài lâu, nhưng từ khi Thiên Hoàng Shomu và Hoàng Hậu Komyo tới chùa cầu nguyện sinh nở được an toàn, thì kể từ đó người ta thường đến chùa để cầu sinh nở mẹ tròn con vuông và trẻ em luôn mạnh khỏe. Vì thế ngày nay, có rất nhiều người đến viếng chùa, đặc biệt là phụ nữ.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnCẩm tú cầu chùa Amabiki Kannon nở tưng bừng rực rỡ từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7.

Trong chùa có khoảng 3.000 cây hoa cẩm tú cầu với hơn 10 loại, nở tưng bừng rực rỡ từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7. Nên trong khoảng thời gian này thường hay tổ chức Lễ hội Cẩm tú cầu Nhật Bản và khách tham quan thì tới đông nườm nượp.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnCũng giống như hoa anh đào, cẩm tú cầu cũng có những lễ hội truyền thống. Người Nhật mở lễ hội cẩm tú cầu để chào đón mùa hè. Chùa Amabiki Kannon cũng là nơi tổ chức lễ hội cẩm tú cầu nổi tiếng.

Ngoài ra, chùa Amabiki Kannon còn nổi tiếng với mùa xuân có hoa Sakura với đủ loại từ Kawazu Zakura, Edohigan cho đến Somei Yoshino… và mùa thu với sắc lá đỏ rợp chùa.

Cổng bên ngoài chùa gọi là Yakuimon (Dược Y Môn) hay còn gọi là Hắc Môn (Cổng đen). Từ cổng này đi đến cổng chính Niomon (Nhân Vương Môn) có 145 bậc thang đá, gọi là “Bậc thang đá trừ tà”.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnCổng chính Niomon.

Nghe đồn vừa leo những bậc thang này, vừa niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát (Namu Kanzeon Bosatsu) thì mọi xui xẻo, bệnh tật sẽ tiêu trừ. Dọc hai bên cầu thang đá đều là hoa cẩm tú cầu. Phía trước cổng Niomon cũng có trồng cẩm tú cầu và cổng này được công nhận là di sản văn hóa của tỉnh Ibaraki.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnCẩm tú cầu khoe sắc dịu dàng.

Từ cổng Yakuimon đi vào thì phía tay trái là nguyên một vườn cẩm tú cầu Nhật Bản, còn bên tay phải thì có Tòa tháp chuông Shorodo (Chung Anh Đường), được xây dựng vào năm 1830. Bên cạnh Tòa tháp chuông có một khu vườn nhỏ cũng toàn cẩm tú cầu nhưng có nuôi thêm vài em ngỗng hung dữ.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnTháp chuông Shorodo (Chung Anh Đường).

Đi qua khỏi cổng Niomon, leo lên vài bậc thang sẽ thấy được một cái cây đại thụ rất là to, cao 15m, có niên đại cả ngàn năm và hình thù khá là kỳ quái. Cây này là dẻ gai thuộc họ sồi, được đặt tên là Yadoshi. Vì vào thời Muromachi, năm Bunmei thứ 4, tức là năm 1472, chùa đã xảy ra hỏa hoạn, tất cả mọi thứ trong chùa Amabiki Kannon đều được đem ra để tạm ở gốc cây nên từ đó mới gọi cây là Yadoshi, nghĩa là ngôi nhà cây dẻ gai.

Sau đó leo thêm vài bậc thang nữa là tới được chính điện Kannondo (Quan Âm Đường) nơi thờ Quan Âm Bồ Tát Diên Mệnh. Phía bên phải chính điện là đền Toshogu thờ Tokugawa Ieyasu. Phía bên trái là Bảo tháp của chùa gọi là Tahoto (Đa Bảo Tháp).
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnChính điện Kannondo (Quan Âm Đường), nơi thờ Quan Âm Bồ Tát Diên Mệnh.

Ban đầu dự định là xây tháp 3 tầng kiểu Hoto (Bảo Tháp) nhưng sau đó lại quyết định xây thành Tahoto chỉ có 2 tầng. Có lẽ do khác tông phái, vì thường các chùa Phật giáo đều xây kiểu Hoto, nhưng chùa Amabiki Kannon theo phái Chân Ngôn Tông nên xây thành Tahoto.

Bên trong khuôn viên chùa Amabiki Kannon còn có nuôi rất nhiều gia cầm như vịt, vịt trời, gà và cả chim công. Mấy em này sống rất hòa bình và quấn quýt bên nhau. Trong đó em chim công được xem là biểu tượng của chùa, có thể đi long nhong khắp chùa và được tôn làm “Khổng tước Minh Vương”, vì người xưa truyền rằng em là loài chim thần có thể ăn rắn độc.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnChùa Amabiki Kannon còn nuôi cả chim công, vịt, gà.

 

  GỢI Ý TOUR DU LỊCH NHẬT BẢN KHUYẾN MÃI
 
  >> Hà Nội - Tokyo - Phú Sĩ 4N3Đ giá từ 21.990.000 đồng
  >> HCM - Osaka - Kyoto - Kobe 4N3Đ giá từ 18.990.000 đồng
 

 

Trong chùa Amabiki Kannon còn có rắn nữa. Lúc mình đi ngang gần Jizodo (Địa Tạng Đường, điện thờ Địa Tạng Bồ Tát) thì thấy có một con rắn đen khá to nằm ngay bậc thang đá chỗ có mấy bụi hoa cẩm tú cầu, nhưng thấy người tới là “em” chuồn đi liền luôn, thành ra không kịp chụp hình.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnLối lên Jizodo. Đi ngang qua đây mình đã bắt gặp một con rắn đen khá to.

Cái hay là người Nhật gặp rắn trong chùa không có la hét om sòm mà xem đó là điềm may mắn và nếu gặp được rắn trắng thì sẽ là may mắn gấp đôi. Bởi người ta cho rằng rắn ở trong chùa là đệ tử của Đức Phật.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnBạn không phải sợ khi thấy rắn. Với văn hóa Nhật, chúng đại diện cho may mắn.

Gần hồ nước thả cẩm tú cầu Nhật Bản là Kishimojindo (Quỷ Tử Mẫu Thần Đường) là điện thờ Quỷ Tử Mẫu Thần. Quỷ Tử Mẫu Thần là thần phù hộ cho sinh nở an toàn và nuôi con khỏe mạnh. Ngoài ra còn có nguyên một hồ nuôi cá chép con nữa, hồ không rộng nhưng cá thì rất nhiều.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnĐiện thờ Quỷ Tử Mẫu Thần

Chùa Amabiki Kannon là điểm du lịch khá nổi tiếng ở vùng Kanto, nhưng đi lại thì hơi bất tiện nếu không có xe đi.
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnToàn cảnh vùng Kanto.

Nếu đi bằng xe thì tới thẳng nơi và có bãi đậu xe miễn phí. Còn đi bằng tàu điện thì đi tuyến JR Mito tới ga Iwase (岩瀬駅), sau đó đi taxi hoặc xe buýt. Đi taxi thì mất khoảng 10 phút, chừng 2.000 Yên, còn đi xe buýt thì 200 Yên. Nhưng xe buýt chỉ chạy vào ngày thứ 7 và ngày lễ mà thôi, rất ít chuyến, nên phải tra giờ kỹ trước khi đi.

Một số hình ảnh khác của hoa cẩm tú cầu trong chùa:
 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnCẩm tú cầu rạng rỡ nhất trong mưa. Nổi lên giữa bầu trời xám xịt, những bông hoa cẩm tú cầu dịu dàng khiến lòng ta như dịu lại. Người Nhật ví von cẩm tú cầu như “vầng dương tím” vậy.

 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnCẩm tú cầu là biểu tượng cho tình yêu vĩnh hằng, cho tình cảm gia đình và bạn bè.

 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnNgày mưa rả rích mà ngắm cẩm tú cầu bên tách trà là giây phút thư giãn thoải mái.

 

Lung linh ‘cẩm tú cầu trong nước’ ở chùa Amabiki Kannon Nhật BảnHoa cẩm tú cầu có thể biến chuyến du lịch Nhật Bản mùa mưa xám xịt trở nên trong trẻo lạ thường.

 

Xem thêm: Ngắm con đường ô Saitama, rực rỡ mùa hè Nhật Bản

 

Review + Ảnh: S.P

Biên tập: Phong Sa

Theo Báo Thể Thao Việt Nam
quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)