Để bảo đảm an toàn thực phẩm ngày tết, bà nội trợ đừng quên tham khảo những cẩm nang sau.
>Bổ sung dưỡng chất trước Tết bằng thực phẩm gì?
>Cách nấu các món bổ dưỡng từ thịt vịt
1. Rau
Khi mua rau về, cắt gốc, rửa sạch, dàn đều để phơi rau trên rổ đến khi ráo nước rồi mới cho vào tủ lạnh, rau sẽ tươi lâu hơn. Đừng quên cho rau vào túi không buộc chặt.
2. Mứt tết
Cho mứt bí, mứt gừng vào lọ thủy tinh rồi đổ đường trắng lên trên, lớp đường trắng này sẽ giúp hút ẩm trong lọ, giữ cho hương vị của mứt không bị thay đổi, không chảy nước.
Để bảo quản mứt quất được lâu, chỉ nên bày ra một phần mứt trên bàn ngày tết để tiếp khách, phần còn lại, nên đun cùng với đường chảy sền sệt, để nguội rồi gói từng quả lại bằng giấy kính. Như vậy, bạn có thể bảo quản được mứt quất tới vài tháng.
3. Măng khô
Dùng nước vo gạo để ngâm măng giúp măng khô mau nở và nấu cũng nhanh hơn. Bạn có thể cắt bỏ những chỗ già sau đó ngâm măng trong nước gạo ấm để ăn dần và thay nước thường xuyên để măng mềm và sạch.
4. Bánh chưng
Không nên bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh vì rất dễ “lại gạo”, khô và cứng. Nên treo bánh ở nơi thoáng mát. Nếu thời tiết nóng, ẩm đột ngột, có thể cho tủ lạnh nhưng đừng quên hấp lại trước khi ăn.
5. Các loại thực phẩm không nên để tủ lạnh
Khoai tây là thực phẩm không nên để tủ lạnh vì sẽ làm giảm chất lượng các loại củ này. Bánh mỳ nên gói trong giấy, để ngăn đá thay vì ngăn mát vì nếu để ngăn mát, bánh sẽ bị khô mặt.
6. Lạp xưởng
Xếp lạp xưởng quanh một cốc rượu trắng để xua ruồi, muỗi thay vì cho lạp xưởng vào tủ lạnh sẽ giúp bảo quản loại thực phẩm này được lâu hơn.