Bánh Khẩu Thuy - thứ bánh không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng ở Bắc Cạn. Du lịch đến Bắc Cạn để thưởng thức món bánh độc đáo này.
Đi
du lịch Bắc Cạn du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử,
danh lam thắng cảnh nơi đây mà còn được thưởng thức rất nhiều đặc sản nổi tiếng. Một trong số rất nhiều đó là món bánh Khẩu Thuy - thứ bánh không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng ở Bắc Cạn.
Khi bước vào tháng chạp, bà con người Tày đã bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để làm Khẩu Thuy. Muốn bánh được ngon thì cần nhiều nguyên liệu, nhiều công đoạn và khá cầu kỳ. Người Tày lấy bèo tây đun lên lấy nước, lại lấy cây vông hoa đỏ đốt lên lấy tro. Dùng nước bèo tây và nước tro để ngâm gạo nếp. Ngâm cho gạo nở to rồi đem lên đồ cùng khoai sọ và cho thêm một chút rượu để bánh có vị thơm.
Sau khi đồ chín, cho tất cả vào giã. Giã Khẩu Thuy cũng như giã bánh dày của người Kinh, giã đến khi cối bánh lên bọt trắng, giơ chày quá đầu người không thấy bột bánh dính đầu chày nữa thì mới được. Để giã được một cối bánh thật không đơn giản, giã càng nhanh, càng nhuyễn thì mới “đạt tiêu chuẩn”. Giã bánh xong, đổ ra một cái mẹt to và cán cho thật mỏng. Chờ cho bánh nguội bớt, siu mặt thì đem cắt từng miếng hình quả trám hoặc hình vuông. Đem phơi khô, để chờ đến tết hoặc ngày hội mới đem rang phồng lên. Rang Khẩu Thuy cho phồng hết cỡ để khi ăn không bị lợn cợn những miếng bánh dẻo chưa phồng hết cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Cho bánh vào chảo gang, lúc đầu cho lửa thật nhỏ để miếng bánh nóng, sau tăng lửa dần để bánh phồng đều.
Công đoạn cuối cùng để hoàn thành món bánh này là tẩm đường cho bánh. Đun sôi mật mía, trút bánh đã rán phồng vào đảo đều, sau đó, đổ ra mẹt đã tra sẵn một chút bột gạo rang. Để giữ được lâu, người ta cho vào túi nilông buộc kín sẽ khiến bánh không bị ỉu mà vẫn giữ được hương vị.
Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Cạn bánh Khẩu Thuy tròn như trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm và giòn tan nơi đầu lưỡi , tại các hội Lồng Tồng của người Tày, thứ bánh Khẩu Thuy này vẫn được bày bán để khách thập phương mua làm quà cho người thân. Từ lâu, nó đã trở thành một đặc sản dân tộc nói chung và là đặc sản rất riêng của Bắc Cạn