Phở đã trở thành món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, được bạn bè thế giới yêu thích và ca tụng. Món ăn này có nguồn gốc từ đất thủ đô, trở thành món ngon đặc sản mà cả du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Đến với Hà Thành hoa lệ, bạn có rất nhiều sự lựa chọn cho bữa sáng nhưng phở vẫn là chọn lựa số 1. Món phở chuẩn Hà Nội phải là một tô phở to, bánh phở mềm nhưng không bị nát. Nước dùng trong có mùi thơm, vị ngọt tự nhiên không lẫn vị mì chính hay các loại gia vị nhân tạo.
Phở có rất nhiều loại nhưng tô phở gia truyền Hà Nội phải là phở bò. Từng lát thịt bò mềm ngọt, hòa cùng miếng gầu bò giòn thơm,… tạo nên một tô phở thơm ngon, hấp dẫn. Đặc biệt, mỗi tô phở truyền thống thường có rất nhiều hành lá – một loại gia vị giúp tăng sự thơm ngọt của món ăn, cân bằng vị giác và tốt cho sức khỏe.
Ngày nay, ở Hà Nội có hàng trăm nghìn quán phở. Muốn thưởng thức món ăn sáng đặc trưng của đất Hà Thành, bạn có thể đến quán phở Thìn (Số 13, phố Lò Đúc), phở Bát Đàn (49 Bát Đàn, Quận Hoàn Kiếm),… Đây là những quán phở ngon, có tuổi đời hàng chục năm, lưu giữ trọn vẹn hương vị truyền thống của món phở xứ Kinh Kỳ.
Nếu đất Bắc vang danh thiên hạ với món phở thơm ngon, đượm vị thì người miền Trung tự hào với món bún bò. Nhắc đến bún bò thì bún bò Huế trở thành món ngon đặc sản mà ai ai cũng yêu thích khi về thăm vùng đất cố đô.
Bún bò có thể ăn bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng ngon nhất là ăn vào buổi sáng. Một tô bún nóng hổi, thịt bò thơm mềm, nước dùng ngọt thanh, thưởng thức cùng các loại rau thơm sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ khi đến với xứ Huế thơ mộng.
Ngày nay, món ăn sáng này có mặt ở khắp mọi nơi trên đất Việt. Nhưng chỉ có đến Huế, du khách mới cảm nhận một cách chân thực hơn hương vị bún bò gia truyền mà người Huế đã gìn giữ hàng trăm năm qua. Tô bún bò chuẩn Huế có vị ngọt đậm đà của nước hầm xương, chân giò, pha thêm chút cay nồng của sả ớt và vị mằn mặn đặc trưng của mắm ruốc.
Đi ăn sáng ở Huế và gọi một tô bún bò đầy đủ, bạn sẽ thấy tô bún có thịt bò, chân giò, chả cua và huyết. Nước dùng có màu vàng cam đặc trưng, vị thơm lừng lan tỏa như kích thích thêm những chiếc dạ dày đang đói. Ăn bún bò “đúng điệu” của Huế phải ăn cùng rau thơm như quế, sà lách, giá đỗ, hoa chuối,... Sự hòa hợp và cân bằng của đạm, tinh bột và chất xơ trong tô bún mang đến nguồn năng lượng cần thiết cho bữa sáng.
Mỗi vùng đất trên nước Việt đều có những món ngon đặc sản, làm nên sự đa dạng của ẩm thực Việt Nam. Và nếu bạn có chuyến du lịch Bình Định, hãy thử ăn sáng với cháo lòng bánh hỏi. Đây là món ăn nổi tiếng của người dân xứ Nẫu, hương vị đậm đà và có phần lạ miệng với lữ khách phương xa.
Đi dọc những cung đường trong trung tâm thành phố Quy Nhơn, bạn sẽ dàng bắt gặp những quán bán cháo lòng bánh hỏi vào buổi sáng. Hãy thử dừng chân lại, gọi một phần vừa có cháo, vừa có bánh hỏi, vừa có lòng heo và ăn thử, bạn sẽ thấy món ăn này thực sự đặc biệt.
Một phần cháo lòng bánh hỏi chuẩn hương vị xứ Nẫu phải có tô cháo nóng hổi, màu vàng nhạt, thơm mùi hành hẹ. Ăn kèm với cháo là dĩa lòng heo luộc, được cắt miếng nhỏ vừa ăn. Và cuối cùng chính là dĩa bánh hỏi được phết một lớp dầu hẹ óng mượt bên trên, chỉ nhìn thôi là đã thấy hấp dẫn.
Hầu như người dân Bình Định, Phú Yên không có nhiều biến tấu trong cách chế biến món ăn này, có chăng là sự khác biệt trong vị cháo, do cách nêm nếm của người nấu. Khi dùng món ăn sáng này, bạn sẽ chấm cùng nước mắm ớt để tăng hương vị của món ăn. Ngoài ra, một vài loại rau sống ăn kèm cũng sẽ giúp cháo lòng bánh hỏi thơm ngon, hấp dẫn hơn hẳn.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH BÌNH ĐỊNH KHUYẾN MÃI
>> Combo Quy Nhơn 4N3Đ - Hệ Thống Khách Sạn 4* Cao Cấp + Vé Máy Bay Hè 2020 từ 5.490.000Đ >> Combo Quy Nhơn 3N2Đ - Mento Hotel 3* + VMB từ 2.050.000Đ |
Đến với Đà Lạt ngàn hoa, du khách sẽ choáng ngợp trước ẩm thực đa dạng của thành phố này. Tuy nhiên, đôi khi có quá nhiều sự lựa chọn sẽ khiến bạn cảm thấy băn khoăn, không biết ăn gì vào bữa sáng. Vậy thì gợi ý cho bạn chính là món bánh ướt lòng gà – món ngon nổi tiếng của thành phố sương mù.
Ở Đà Lạt, bánh ướt lòng gà hầu như chỉ bán vào buổi sáng, bán nhiều nhất khu vực đường Tăng Bạt Hổ và Khu Hòa Bình. Ở đây có hàng chục quán bánh ướt khác nhau nhưng về cơ bản, hương vị và giá thành mỗi phần bánh ướt là giống nhau. Có lẽ, người dân Đà Lạt đã lưu giữ trọn vẹn được hương vị của món ngon đặc sản nổi tiếng này.
Dạo Đà Lạt vào buổi sớm se se lạnh và dừng chân ở một quán bánh ướt lòng gà, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy cách chế biến món ăn của người bán. Bánh ướt được gỡ thành từng lớp, xếp ngay ngắn vào tô. Sau đó là lòng và thịt gà được để bên trên, có đủ tim, cật, gan, ruột, trứng non,… rất bắt mắt. Cuối cùng là một ít rau thơm và ớt được cho vào tô bánh, giúp mang đến hương vị ấm nóng cho bữa ăn sáng.
Tiết trời Đà Lạt thường lạnh vào buổi sáng nên nước mắm ăn cùng bánh ướt lúc nào cũng là nước mắm nóng hổi. Vị thanh mặn tự nhiên của nước mắm hòa quyện cùng vị ấm nóng của bánh ướt và các loại “topping” từ lòng gà, mang đến cho bạn một bữa ăn sáng thật chất lượng và ngon miệng.
Rời Đà Lạt sương mù để về với thành phố trẻ Sài Gòn – nơi hòa nhập và giao thoa của rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Thế nhưng, khi đi ăn sáng ở Sài Gòn, món ăn được nhiều du khách lựa chọn nhất chính là cơm tấm. Cũng như phở Hà Nội hay bún bò Huế, cơm tấm Sài Gòn trở thành món ngon đặc sản đại diện cho ẩm thực của thành phố mang tên Bác.
Nhắc đến cơm tấm Sài Gòn là nhắc đến đĩa cơm trắng tinh, hạt cơm nhỏ (do nấu bằng tấm), bên trên được bày một miếng sườn nướng thơm lừng, có thêm chút bì heo, trứng chiên, chả và dưa leo, cà chua. Người Sài Gòn vẫn thường gọi vui món cơm tấm sườn, bì, chả với cụm từ nói lái “sà bì chưởng” để thể hiện tình yêu mến của mình với món ăn ngon và hấp dẫn này.
Cơm tấm Sài Gòn không chỉ là món ăn sáng mà còn có thể ăn trưa, ăn tối, tùy nhu cầu. Thế nhưng ngon nhất vẫn là ăn sáng. Một đĩa cơm nóng với đủ sườn, bì, chả, nước mắm tỏi ớt, thêm chén canh củ ninh xương thì còn gì tuyệt vời bằng?
Ngày nay, người Sài Gòn linh hoạt thay đổi, biến tấu thêm nhiều món cơm tấm khác nhau. Có cơm chim cút, cơm thịt gà, cơm lạp xưởng,… và vô vàn các loại nguyên liệu khác. Tuy nhiên chuẩn nhất vẫn là “combo sà bì chưởng” với giá thành từ 25.000 – 30.000 đồng, bán ở khắp mọi nẻo đường trên đất Sài Thành.
Ẩm thực Việt Nam vô cùng đa dạng với đủ các món ngon đặc trưng từ Nam chí Bắc. Ở vùng miền nào, bạn cũng tìm được những món ăn sáng ngon và hấp dẫn, thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương. Có dịp du lịch miền Tây, bạn nhớ ăn sáng món hủ tiếu Nam Vang – món ngon hảo hạng có xuất xứ từ Campuchia.
Hầu như tỉnh thành nào của Tây Nam Bộ cũng có hủ tiếu Nam Vang. Bởi hương vị đặc trưng của món hủ tiếu hảo hạng này quá đỗi đặc biệt, ai ăn một lần cũng đều đem lòng yêu thích. Hủ tiếu Nam Vang là món ăn sáng giàu dinh dưỡng, có đủ tinh bột, chất đạm, chất xơ, đảm bảo mang đến cho bạn một bữa ăn ngon để đủ năng lượng khám phá các điểm du lịch miền Tây.
Nước dùng của món hủ tiếu này được nấu từ xương ống, thịt thăn, tôm khô, đường phèn, mực nướng xé nhỏ và các loại gia vị như muối, hạt nêm, bột ngọt,… Sự kết hợp của một loạt các thành phần giúp cho nước dùng hủ tiếu ngọt thanh tự nhiên, nếm một lần là nhớ mãi.
Các loại “topping” của món hủ tiếu này thường sẽ có thịt bằm, gan heo, tôm, trứng cút. Đặc biệt, sợi hủ tiếu dùng để nấu món hủ tiếu Nam Vang phải là sợi hủ tiếu dai để khi ăn không bị bở, không bị ngấy.
Có dịp thưởng thức hủ tiếu Nam Vang ở miền Tây, bạn sẽ được ăn một tô đầy ắp với hủ tiếu trắng tinh, nước dùng ngọt đậm đà và đủ các loại “topping” hấp dẫn. Ăn kèm với hủ tiếu sẽ là rau xà lách, giá đỗ, cải cúc, cần tây,… để tăng hương vị. Ngoài ra, một lát chanh tươi thơm lừng và ít ớt cay nồng sẽ giúp món ăn thêm phần trọn vẹn.
Chính nền ẩm thực phong phú của Việt Nam đã mang đến vô vàn món ăn sáng thơm ngon, bổ dưỡng từ Nam ra Bắc. Mỗi vùng miền, mỗi thành phố du lịch đều có một món ngon đặc sản mang tính đại diện, làm nên nét hấp dẫn riêng, khiến du khách xa gần đều đem lòng yêu thích.
Xem thêm: ‘Chụp là đẹp’ ở 4 phim trường lãng mạn nhất Đà Lạt |
Ngọc Anh (tổng hợp)