Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của một số dân tộc thiểu số

Thứ ba, 19/03/2019, 09:05 GMT+7
 Sáng tạo, đẹp đẽ, thể hiện nét văn hóa đặc trưng, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của một số dân tộc thiểu số phía Bắc nước ta đã được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
test
 

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người H’Mông hoa
 

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người H’Mông hoa ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên rất độc đáo, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Trang phục của người Mông hoa ở Sa Lông được các thế hệ gìn giữ lâu đời. Trang phục được người Mông hoa nơi đây thêu chủ yếu là váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp... Trang phục được trang trí, thêu thùa bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với hình quả trám, hình tam giác. Mỗi họa tiết hoa văn trên trang phục đều được phối hợp rất nhuần nhị thể hiện tâm nguyện cao đẹp của con người.
 
nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục
 Người phụ nữ Mông hoa thêu hoa văn trên trang phục 

Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải người Mông hoa không chỉ phản ánh tính thẩm mỹ óc sáng tạo của những người phụ nữ Mông hoa nơi đây mà còn thể hiện mong muốn khát vọng của người Mông hoa với thần linh cầu mong phước lành, xua đi điều dữ. 
 

Nghệ thuật tạo hoa văn của người Xá Phó 
 

Dân tộc Xá Phó ở Lào Cai rất ít người nhưng nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người dân Xá Phó thì rất độc đáo, xứng danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Trang phục nữ của người Xá Phó ở Lào Cai nổi bật với khăn trên đầu, áo lửng và váy dài chấm gót, tất cả đều được tạo hoa văn bằng tay hài hòa, đẹp mắt. Hoa văn trên áo lửng từ phần cổ xuống dưới ngực thêu thưa, thêu vặn thừng đường diềm, đường thẳng song song bằng các chỉ màu sặc sỡ với gam màu nóng trên chất liệu nền vải màu chàm đen, đính dọc 4 đường hạt cườm trắng. 
 
nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục
Trang phục của cô gái dân tộc Xá Phó 

Phần thân áo thêu dày, hoa văn là các ô vuông, hình tam giác, hình quả trám đối xứng nhau. Phần tay áo với các họa tiết hoa văn biểu tượng của sức mạnh như hình mắt gà lôi, hình mắt chim hoặc hình chữ nhật, tam giác.... Tất cả được phối hài hoà về màu sắc trong đó  màu đỏ sậm là màu chủ đạo.
 
Váy của phụ nữ Xá Phó được trang trí hoa văn cầu kỳ dọc theo chiều dài của váy. Hoa văn  phần chân váy thêu hình cây thông nối tiếp nhau, bên dưới là hình răng cưa, hình tam giác xếp chéo, hình quả trám. Phần cạp váy thêu bằng các hình thoi nối dài nhau, xen kẽ nhau bằng các màu thêu rực rỡ, rất cầu kỳ và khác biệt về họa tiết với bất cứ họa tiết trên trang phục của các dân tộc khác.
 

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ
 

Không chỉ người Mông hoa ở Điện Biên, người Xá Phó ở Lào Cai, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cũng có những nét đặc trưng văn hóa độc đáo đặc sắc được xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ ở xã Ngọc Phái rất sặc sỡ sắc màu và vô cùng cầu kỳ với nhiều hình cây cỏ, dấu chân mèo, dấu chân hổ, ngôi sao, cây hoa, cây thông hay các bông hoa bạc, miếng bạc hình chữ nhật. Theo người dân nơi đây vì sự tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ khi tạo hoa văn trên trang phục mà có những bộ trang phục phải được những người phụ nữ nơi đây  may trong vòng một năm, có người phải may trong vòng hai năm.
 
nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục
Các cô gái Dao đỏ được truyền dạy thêu hoa văn trên trang phục từ rất sớm

Với người dân tộc Dao đỏ,  hoa văn trên trang phục sẽ phản ánh được sự khéo léo của cô gái. Hoa văn trên trang phục càng đẹp càng độc đáo thì cô gái càng được đánh giá cao, được nhiều người yêu thích và được các chàng trai mong muốn cưới làm vợ. Vì thế các cô gái Dao đỏ ở xã Ngọc Phái ngay từ nhỏ đã được học may vá, thêu thùa. Trước khi về nhà chồng, họ đều có thể tự thêu, tự may được trang phục truyền thống cho riêng mình và cho những người thân trong gia đình.
 
Phụ nữ dân tộc thiểu số tự may trang phục truyền thống cho mình và những người thân trong gia đình. Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của một số dân tộc miền núi độc đáo được lưu giữ truyền lại từ đời này qua đời khác. Không chỉ thể hiện sự khéo léo của các cô gái, của những người phụ nữ trong gia đình còn phản ánh thế giới muôn màu của cuộc sống, những mong muốn, khát vọng của bản thân, của cộng đồng. 
 
Nếu bạn có dịp đến những bản làng xa xôi của các dân tộc miền núi phía Bắc hãy xem cách những người phụ nữ, người con gái nơi đây tỉ mỉ làm trang phục truyền thống, chắc chắn bạn sẽ phải thán phục sự tỉ mỉ, sáng tạo của họ đấy!
Quỳnh Thanh
Theo Báo Du lịch
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc